Trình
bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội sáng 30/9, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sau
hơn 12 năm thực hiện, Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 đã xuất hiện nhiều hạn
chế. Trong đó, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng chưa bao quát
hết các lĩnh vực, chưa tương xứng với vị trí của người đứng đầu Chính phủ và
đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước. Mối quan hệ giữa Chính phủ với chính
quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) chưa được xác định cụ
thể, chưa có sự gắn bó chặt chẽ...
Vì vậy, dự thảo Luật tổ
chức Chính phủ (sửa đổi) đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ của Thủ tướng để phù hợp
với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành. Đó là, Thủ tướng có quyền quyết định
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ
quan thuộc Chính phủ. Trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, Thủ tướng được giao quyền trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước
bổ nhiệm.
Thủ tướng cũng được giao tạm quyền
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu
được những vị trí này. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng có quyền yêu cầu
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đình chỉ, cách chức Chủ
tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm
quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng trình Ủy ban
thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn
quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời quyết
định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể để thi hành lệnh tổng động viên
hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần
thiết khác để bảo vệ Tổ quốc...
Báo cáo thẩm tra Dự thảo luật, Chủ
nhiệm Uỷ ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền
hạn của Thủ tướng trong dự thảo Luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ
tướng vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế
hiến định có thẩm quyền riêng.
Ông Lý cũng nhận xét, Dự thảo chưa
cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng trong việc “Thực hiện chế độ báo cáo
trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề
quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên
Thủ tướng.
Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc 3
thẩm quyền của Thủ tướng cho phù hợp quy định của Hiến pháp vì trường hợp các
biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo
đúng quy định tại Điều 14 Hiến pháp chứ không thể quy định chung thẩm quyền này
cho Thủ tướng như dự thảo Luật. Các quyền cần cân nhắc là giao quyền Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp vị trí này khuyết khi chờ Quốc hội
phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được
và Quyết định, chỉ đạo thực hiện các biện pháp thi hành lệnh tổng động
viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
nêu ý kiến, có thẩm quyền thì phải đi liền với trách nhiệm. Dự thảo Luật tổ
chức Chính phủ nói rất rõ về quyền nhưng trách nhiệm không thấy nói.
"Chính phủ có trách nhiệm thi hành Hiến pháp, mà thi hành không tốt thì ai
chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước ai? Điều này cần phải làm rõ",
Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó
Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn, quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng,
Bộ trưởng dự thảo Luật trình bày khá rõ nhưng trách nhiệm của từng vị trí này
thì lại chưa rõ. Ông cũng đặt câu hỏi, liệu việc bỏ phiếu tín nhiệm với
những người Quốc hội bầu phê chuẩn có nên cụ thể hoá những vị trí tín nhiệm
thấp? Luật sửa đổi có nên có cơ chế từ chức không?
Thay mặt ban soạn thảo Luật sửa
đổi, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung trước khi trình Quốc hội.
|