Được đánh giá cao ở nhiều chỉ số thành phần
Theo kết quả PAR INDEX 2013, Bộ Tư pháp đạt 79,53 điểm, xếp
thứ 5 trên tổng số 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ, tụt 4 hạng so với năm
2012 dù vẫn nằm trong top đầu. Tuy vậy, Chính phủ cũng như Ban Chỉ
đạo CCHC của Chính phủ đều đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trong
việc thực hiện CCHC, đặc biệt là vai trò trong việc thực hiện cải
cách thể chế và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC).
“Điều đó thể hiện ngay tại những ý kiến đầu tiên trong
bài phát biểu kết luận tại Hội nghị công bố PAR INDEX 2013 của Trưởng
ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
thì năm 2013, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ thực hiện được một
khối lượng lớn các công việc, nhất là liên quan đến công tác xây dựng
thể chế, đặc biệt là vai trò trong việc xây dựng, ban hành Hiến pháp
năm 2013, nên theo PAR INDEX 2013, Bộ Tư pháp không đứng đầu
nhưng vẫn giữ được vị trí thuộc nhóm đầu cũng là đã có nhiều cố gắng”
– Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhận định.
Phấn khởi được tham dự và hoan nghênh Bộ Tư pháp đã sớm
tổ chức Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Đỗ Quý Tiến
chia sẻ: Theo Báo cáo kết quả xác định PAR INDEX 2013 của Bộ, cơ
quan ngang Bộ, Bộ Tư pháp được đánh giá cao ở một số nội dung. Chẳng hạn,
tại chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công
chức, viên chức, Bộ Tư pháp là một trong ít các Bộ, cơ quan ngang Bộ
được xếp ở mức độ tốt theo tỷ lệ điều tra xã hội học về năng
lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ
công chức; tại chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính, Bộ Tư pháp
là một trong số ít Bộ, ngành đạt điểm số về mức độ cung cấp dịch vụ
công trực tuyến mức độ 3 và 4…
Tuy nhiên, qua rà soát số điểm trừ của Bộ Tư pháp, Phó Chánh
Văn phòng Bộ Nguyễn Xuân Tùng cho biết, các nội dung trừ điểm của
Bộ được lặp lại nhiều là vấn đề các kế hoạch CCHC, kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin… không ban
hành (ban hành sau ngày 31/3) hoặc không kịp thời ban hành (ban
hành trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 – 31/3); vấn đề chậm ban hành
và thực hiện Đề án vị trí việc làm của Bộ. Còn về PAR INDEX
2014, ông Tùng cung cấp thông tin: Tính đến ngày 22/9/2014, Bộ Tư
pháp có thể tiếp tục bị trừ 8,5 điểm ở 5 nội dung.
Bộ Tư pháp không “chạy đua” lấy thành tích
CCHC
Vì vậy, cùng với mong mỏi lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo Thủ
trưởng các đơn vị quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
của đơn vị mình, ông Tùng đề nghị lãnh đạo Bộ cũng như Thủ trưởng
các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với việc
thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác CCHC của Bộ, đặc biệt
là chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ trong việc
phối hợp với Văn phòng Bộ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ có
liên quan đến công tác CCHC.
Đối với các nội dung Bộ Tư pháp bị trừ điểm trong
PAR INDEX 2013, theo ông Tùng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện các
nhiệm vụ đúng yêu cầu của PAR INDEX, nhất là thời hạn ban hành các kế
hoạch và việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã nhìn nhận một số hạn chế,
vướng mắc thời gian qua và trao đổi nhiều giải pháp để cải thiện tốt
hơn thứ hạng của Bộ trong PAR INDEX 2014. Cục trưởng Cục Kiểm soát
TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh, phải quán triệt và làm tốt nguyên tắc
chỉ ban hành và duy trì những TTHC thực sự hợp lý, bởi có như thế mối
quan hệ giữa dân với chính quyền mới ngày càng được cải thiện.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu, nhiệm
vụ xây dựng Đề án vị trí việc làm là do Vụ làm đầu mối chung của Bộ,
song việc thực hiện lại liên quan đến tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Từ
đó, ông Châu đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn và
Thủ trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm hơn với Vụ.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp
luật Nguyễn Thị Thu Hòe mong muốn Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lại
tiêu chí “ban hành kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật” bởi
pháp luật hiện hành không quy định các Bộ, ngành phải ban hành kế
hoạch rà soát hàng năm.
“Việc rà soát
được tiến hành thường xuyên, chỉ đối với các trường hợp theo yêu cầu
quản lý nhà nước mới cần ban hành kế hoạch rà soát, nên không thể là
tiêu chí chấm điểm và không có cơ sở đối chiếu ban hành kế hoạch
sớm hay muộn” – bà Hòe phân tích.
Cũng khẳng định nội dung khó khăn, ì ạch nhất là Đề án
vị trí việc làm là tình trạng chung, nhưng ông Đỗ Quý Tiến thẳng thắn
cho rằng, các cán bộ, công chức tham mưu của Bộ Tư pháp phải tận tâm,
tận lực trao đổi với lãnh đạo đơn vị để báo cáo Thứ trưởng phụ trách
kịp thời ban hành kế hoạch, chậm nhất vào ngày 31/12 của năm. Ông
Tiến góp ý một giải pháp hay là căn cứ vào Bộ chỉ số chung, Bộ Tư
pháp có thể xây dựng Bộ chỉ số CCHC của riêng Bộ, công bố cho các đơn
vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp địa phương.
Ý kiến trên của ông Tiến được Thứ trưởng Đinh Trung Tụng rất
tán thành với mục tiêu góp phần quan trọng phục vụ người dân,
doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, chứ không phải “chạy đua để lấy thành tích
trong công cuộc CCHC”. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ quan
tâm khắc phục một số chỉ số thành phần để giữ vững và cải thiện thứ
hạng, trong đó cần khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm,
ban hành đúng thời hạn các kế hoạch công tác, áp dụng hệ thống quản
lý chất lượng ISO 9001:2000 (hiện mới có 1 đơn vị áp dụng); công bố
kịp thời các TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ…
|