Phỏng vấn trực tiếp
là cần thiết
Hai phương án giải
quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan có
thẩm quyền của Việt Nam theo Dự thảo Nghị định nói trên,
thứ nhất là phỏng vấn trực tiếp hai bên nam, nữ tại cơ quan
có thẩm quyền đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ
tịch để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích
kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ.
Trường hợp có nghi
vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi
giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc
kết hôn để mua bán người, kết hôn vì mục đích trục lợi khác
hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam,
nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, cơ quan có
thẩm quyền đăng ký kết hôn phải xác minh, làm rõ.
Trong trường hợp đăng
ký kết hôn tại Việt Nam, nếu thấy hai bên nam, nữ kết hôn
chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của
nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn
hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của mỗi nước thì cơ quan
có thẩm quyền đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên đến Trung tâm tư vấn,
hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để tư vấn, hỗ trợ.
Phương án 2, trong
trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam, nếu thấy công dân
Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thuộc một trong các trường
hợp sau đây thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên
đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước
ngoài để được tư vấn, hỗ trợ: Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi
trở lên; người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã ly hôn với
vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam; hai bên chưa hiểu biết
về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không
hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về
hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
Chỉ tư vấn khi có
nghi ngờ
Ông Nguyễn Công
Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho rằng,
việc duy trì phỏng vấn kết hôn và tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân
gia đình vẫn là hết sức cần thiết, các quy định trước đây và nay
là Nghị định 24/CP quy định chi tiết một số điều của Luật
Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu
tố nước ngoài vẫn có quy định này. Do đó, cần phải nhấn mạnh
vai trò, tầm quan trọng của phỏng vấn.
Tuy nhiên, theo ông
Khanh, hiện nay các trung tâm tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ
đang xúc tiến rất tích cực, do đó cần có quy định chuyển tiếp
theo hướng những trung tâm đang hoạt động theo Nghị định 24/CP
vẫn duy trì để có chỗ thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ.
Còn đại diện Vụ Pháp
luật quốc tế (Bộ Tư pháp) phân tích: Việc bắt buộc phải tư vấn,
hỗ trợ trước khi kết hôn được coi là “rào cản kỹ thuật” khi công
dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên, phải
giải thích vì sao chênh lệch 20 tuổi phải đến Trung tâm để được
tư vấn, hỗ trợ để đảm bảo phù hợp với quy định về quyền
con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Việc tư
vấn hỗ trợ là quy trình chứ không phải điều kiện để từ chối đăng ký
kết hôn.
Cũng có những ý kiến
đề nghị cần cân nhắc kỹ những trường hợp cần phải tư vấn hỗ trợ,
ví dụ như vì sao cách nhau 20 tuổi lại cần phải tư vấn, hay những
người đã từng nhiều lần ly hôn không phải vì họ có “vấn
đề”…
Phát biểu kết luận cuộc
họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Dự thảo Nghị định
phải quy định rõ tất cả các trường hợp kết hôn có yếu tố
nước ngoài đều phải qua phỏng vấn và đây là thủ tục bắt buộc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý cần bổ sung quy định người phiên
dịch phỏng vấn là do cơ quan phỏng vấn mời, không thể phiên
dịch do đương sự tự mang đến rồi dịch làm sai lệch nội dung.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã phản ánh vấn đề này và
nếu không có quy định về người phiên dịch sẽ rất nguy
hiểm. Riêng với các trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ, Bộ trưởng cho
rằng chỉ nên thực hiện đối với các trường hợp có nghi ngờ.
|