Hội
nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách vừa cho ý kiến về việc chỉnh lý dự
án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc bổ sung đối
tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc
nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vào nhóm lao động tham gia
BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.
Ngoài ra, quy định này cũng loại bỏ việc
các doanh nghiệp lách luật hiện hành, không đóng BHXH cho người lao động bằng
cách chỉ ký hợp đồng hằng tháng hoặc dưới 3 tháng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành
về việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia
BHXH bắt buộc.
Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc,
nhiều ý kiến tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính
tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung
khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Có ý kiến đề nghị cần
thực hiện quy định này ngay khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày
1/7/2015.
UBTVQH tán thành với phương án áp dụng
tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Bộ luật Lao động từ ngày
1/1/2018.
Việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền
lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người
lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH. Tuy nhiên, việc áp dụng ngay
quy định này trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang
trong lộ trình thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động nên việc quy định
lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.
Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng
tháng, có ý kiến chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hằng tháng như dự
thảo Chính phủ trình khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy
định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này
là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng-hưởng BHXH.
UBTVQH tán thành với phương án điều chỉnh
tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu
hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng
đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH
của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%,
mức tối đa bằng 75%.
Trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực
hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối
với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định
này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH (theo Điều 90 Bộ luật Lao động) để đảm
bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với
trước đó.
Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ
chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách
này. Đồng thời, cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm
lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu.
Cụ thể, năm 2018 sẽ nâng số năm đóng BHXH
của nam giới lên 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19
năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Việc thực hiện lộ trình này sẽ tạo điều
kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo
nguyên tắc đóng-hưởng đảm bảo mục tiêu xây dựng Luật.
|