Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 7/9 Công ước quốc tế cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, trong đó, Công ước ICCPR là một trong các công ước quan trọng nhất, có nội dung điều chỉnh rộng, bao quát tất cả các quyền dân sự, chính trị thiết yếu của con người. Việt Nam gia nhập Công ước từ năm 1982 và đã thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình triển khai Công ước lần lượt vào các năm 1989, 2001 và 2017. Sau Phiên Đối thoại với Ủy ban Nhân quyền về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước lần thứ ba năm 2019, Việt Nam đã nhận được các khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền, trong đó có một số khuyến nghị về quyền không bị phân biệt đối xử và quyền được xét xử công bằng.
Theo Quyết định số 1252/QĐ-TTg, các Bộ, ngành có nghĩa vụ: (1) rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống phân biệt đối xử; (2) đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật phòng chống phân biệt đối xử; và (3) tăng cường bảo vệ các quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền không bị phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và trước toà án. Việc xây dựng các tiêu chí mang tính chất đo lường là cần thiết để đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động triển khai thực hiện Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền tại Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn này, nhóm chuyên gia độc lập gồm: TS. Nguyễn Toàn Thắng (Viện trưởng, Viện Luật So sánh, Đại học Luật Hà Nội), Th.S. Đinh Công Tuấn (Phó trưởng Ban, Ban nghiên cứu pháp luật hình sự, Viện Khoa học pháp lý) đã xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu. Báo cáo nghiên cứu cung cấp cách hiểu, các yêu cầu đối với “tiêu chí đánh giá việc thực hiện quyền con người”, từ việc xác định các tiêu chí đánh giá việc thực hiện quyền con nguời đến việc phân loại các tiêu chí này và phân tích cụ thể. Trên cơ sở các quy định của Công ước ICCPR, các khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền, dự thảo Báo cáo nghiên cứu đề xuất một số các tiêu chí mang tính định lượng có thể được sử dụng để đánh giá kết quả bảo vệ, bảo đảm quyền không bị phân biệt đối xử, bình đẳng và xét xử công bằng tại Việt Nam. Hoạt động và kết quả nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định của Công ước, khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền cũng như Quyết định số 1252/QĐ-TTg.
Hội thảo tham vấn đã nhận được sự tham gia tích cực cùng nhiều ý kiến đóng góp từ các góc độ khác nhau của các Bộ, ngành như đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban dân tộc, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; một số cơ quan tạI địa phương như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự, Trung tâm trợ giúp pháp lý các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng …; khối các cơ quan nghiên cứu, đào tạo gồm có đại diện Viện nhà nước và pháp luật; đại diện Đại học Luật Đại học Huế; đại diện Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị khu vực 3 thành phố Đà Nẵng; cùng với các tổ chức xã hội như Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng, Hội người khuyến tật thành phố Đà Nẵng, Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh; Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE),...
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tham dự, Nhóm Chuyên gia đã được cung cấp thêm các thông tin, tư liệu, góc nhìn từ các cơ quan, tổ chức khác nhau để hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu. Báo cáo nghiên cứu được kỳ vọng sẽ có giá trị thực tiễn cao, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện Công ước ICCPR, khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền và Quyết định số 1252/QĐ-TTg, góp phần thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam./.