Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng -
Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Lộc hỏi như sau:
Theo Điều 23 Luật Viên chức, việc tuyển dụng viên
chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Có hai phương thức để viên chức đang làm việc ở đơn vị sự nghiệp công
lập này, muốn thay đổi nơi làm việc, sang làm việc ở một đơn vị sự nghiệp công
lập khác là:
- Thôi việc theo nguyện vọng, chấm dứt hợp đồng làm việc ở đơn vị sự
nghiệp này, rồi thi tuyển vào đơn vị sự nghiệp khác. Nếu trúng tuyển thì được
ký kết hợp đồng làm việc.
- Xin chuyển công tác từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp
khác. Được đơn vị đang làm việc đồng ý chấm dứt hợp đồng làm việc. Được đơn vị
nơi chuyển đến đồng ý tiếp nhận theo hình thức xét tuyển, hoặc xét tuyển đặc
cách và ký kết hợp đồng làm việc.
Theo Điều 14 và Điều 15 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ
Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào
tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan,
đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập
đang làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản
có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ
quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc
được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.
Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu
đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải
ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp
trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến
tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức.
Như vậy, viên chức chuyển đến cơ quan, đơn vị mới phải chấm dứt hợp đồng
làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc và khi viên chức được đơn
vị sự nghiệp công lập mới tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển, hoặc xét tuyển,
hoặc xét tuyển đặc cách phải ký kết hợp đồng làm việc.
Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp mới (trước đây gọi là bổ nhiệm ngạch
viên chức) có đúng với chức danh nghề nghiệp (ngạch viên chức) ở đơn vị cũ hay
không căn cứ vào yêu cầu, vị trí tuyển dụng của đơn vị mới.
Viên chức chuyển công tác đến đơn vị mới được thực hiện chế độ tiền
lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công
tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức ở đơn
vị cũ.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà
Nội
|