Lo chuyển giới làm thay
đổi bản chất hôn nhân
Khoản 2 Điều 36 Dự thảo
BLDS (sửa đổi) trình Quốc hội quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển
đổi giới tính (CĐGT). Cá nhân đã CĐGT thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có
thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại
Khoản 1 Điều này”.
Theo ông Phan Trung Lý –
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) và nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc khẳng
định Nhà nước không thừa nhận việc CĐGT cần được cân nhắc kỹ, bởi có thể xâm
phạm đến quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Hơn nữa, một mặt vừa
quy định Nhà nước không thừa nhận việc CĐGT, nhưng mặt khác lại quy định cho
phép cá nhân đã CĐGT có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi
hộ tịch và có các quyền nhân thân khác là mâu thuẫn nhau.
Đa số ý kiến thành viên
UBPL cho rằng quyền CĐGT là quyền con người, cần phải được ghi nhận trong luật.
Do việc CĐGT không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân mà kèm
theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý
cho việc áp dụng các biện pháp y học để CĐGT, hệ thống các văn bản pháp luật
liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã
hội... nên để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, UBPL đề nghị chỉnh lý nội dung
này theo hướng xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy
định của luật. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên
cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật.
Ông Nguyễn Doãn Khánh
cũng đề nghị không qui định quyền này trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) vì thấy
vướng ngay từ một trường hợp rất cụ thể là CĐGT trong thời gian hôn nhân. Theo
ông, khi một người trong quan hệ hôn nhân thực hiện quyền CĐGT thì sẽ dẫn đến
thay đổi các quan hệ trong gia đình và kéo theo những hệ lụy rất lớn. Tuy
nhiên, Dự thảo BLDS (sửa đổi) mới qui định về quyền CĐGT của một cá nhân mà
chưa giải quyết được các hệ lụy đó thì sẽ là câu chuyện lớn với những mâu
thuẫn, xung đột trong thực tế.
Bỏ quy định “trói” số
chữ trong tên
Ông Phan Trung Lý cho
biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Khoản 3 Điều 26 Dự thảo BLDS (sửa đổi) được chỉnh
lý theo hướng chỉ quy định giới hạn về đặt tên đối với người có quốc tịch Việt
Nam mà không áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.
Bởi người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam, về mặt pháp lý vẫn chưa
xác lập mối quan hệ Nhà nước Việt Nam và công dân, do đó không cần áp dụng giới
hạn này.
Đồng thời, bỏ quy định
“Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” do
chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp
với quy định tại Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. Một số trường hợp cá biệt đặt tên
quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao
dịch sẽ được thực hiện thông qua phương pháp tuyên truyền, giáo dục.
Tán thành với hướng điều
chỉnh về vấn đề đặt tên trong Dự thảo BLDS (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà
Hùng Cường nhấn mạnh, đồng ý không hạn chế số lượng chữ cái trong tên gọi nhưng
phải quy định rất cụ thể về vấn đề đặt tên như kinh nghiệm của các nước.
Theo Bộ trưởng, Dự thảo
BLDS (sửa đổi) “cần nhấn mạnh việc đặt tên phải phù hợp tập quán, dân tộc, địa
bàn để tránh những cái tên phản cảm”. Bên cạnh đó, tương tự như đề xuất của
ĐBQH, Dự thảo Bộ luật có thể cho phép trong các trường hợp việc đặt tên không
phù hợp tập quán, dân tộc, địa bàn thì cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn. Khi
người dân chấp nhận phương án thì đăng ký.
Hiện theo quy định của
Dự thảo: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc
khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”.
Dự thảo BLDS (sửa đổi) cũng chỉnh lý quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con
thì họ của con do người mẹ quyết định vì theo ý kiến của ĐBQH, nếu buộc xác
định họ của con có mẹ đơn thân theo họ của mẹ (như Dự thảo trước đây) là quá
cứng nhắc...
Thấu hiểu lý do Ban soạn
thảo đề xuất quy định về “điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay
đổi” là để tránh những thiệt hại có thể xảy ra do nguyên nhân khách quan
mà các bên đã không lường trước được khi ký kết hợp đồng, nhưng Phó Chánh án
TANDTC Tống Anh Hào cho rằng, qui định để Tòa án can thiệp điều chỉnh nội dung
hợp đồng trong trường hợp này là khó cho việc thực hiện, hơn nữa vi phạm quyền
tự định đoạt của các đương sự trong giao kết hợp đồng dân sự.
Đây cũng là quan điểm
của một số ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Vì
vậy, “nếu các bên đưa hợp đồng ra tòa trong trường hợp này thì tòa chỉ tuyên
đình chỉ, chứ không can thiệp vào điều chỉnh nội dung hợp đồng” – ông Hào đề
nghị.
|