Ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc cho biết: Trong năm 2014, công tác dân tộc có những chuyển biến tích
cực. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội được từng bước triển khai có
hiệu quả. Trong đó, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các chính sách về y
tế, giáo dục như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, cấp thẻ BHYT,
khám chữa bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống dịch
bệnh, kiểm tra giám sát ATVSTP.
Các địa phương đã chủ động nắm chắc tình
hình địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động
phòng ngừa, đấu tranh và giải quyết các vụ việc nổi cộm phát sinh từ cơ sở,
không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố và phát triển. Tình
hình an ninh chính trị vùng dân tộc miền núi tiếp tục được giữ vững và ổn định,
trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đặc biệt, năm 2014, Chính phủ và Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định nhằm ổn định kinh
tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà tăng
trưởng, bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số
còn nhiều khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã
hội, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác, được cụ
thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban.
Theo đó, Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo
xây dựng các đề án, chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo
thành công tổ chức Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần
thứ 2; chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng
cường công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào; tiếp tục
hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước; tích cực kiện toàn bộ máy, tăng cường đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác thi đua khen
thưởng và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy hợp tác quốc tế về công tác dân tộc...
Tuy nhiên, vùng dân tộc và miền núi còn
gặp nhiều khó khăn, bức xúc như sản xuất vẫn chậm phát triển, nhất là về năng
suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh
trong vùng. Tình trạng thiếu đất sản xuất, chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng
làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi, kết cấu hạ
tầng còn thấp kém như về giao thông, thủy lợi. nhiều nơi đồng bào dân tộc chưa
được thụ hưởng các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so
với cả nước, nguy cơ tái nghèo lớn, công tác giảm nghèo thiếu tính bền vững,
tình trạng thiếu đói cục bộ, đói giáp hạt còn xảy ra, tình hình di cư tự do vẫn
diễn biến phức tạp...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác dân tộc năm qua đã góp phần quan trọng đối
với phát triển kinh tế-xã hội đất nước như xóa đói giảm nghèo, đoàn kết dân
tộc, nâng cao dân trí, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh,
từng bước nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều này khẳng định
ý chí, quyết tâm, sự tận tụy của những người làm công tác dân tộc trong cả
nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tình hình miền núi dân tộc vẫn còn nhiều khó
khăn như tỷ lệ đói nghèo còn cao, hạ tầng yếu kém, trình độ nhân lực thấp. Để
khắc phục hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, Phó
Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo công tác dân
tộc trên các vấn đề lớn như bố trí nguồn lực cho các vùng khó khăn; bố trí cán
bộ đủ năng lực đối với công tác dân tộc, nhất là các Ban Dân tộc để đảm đương
nhiệm vụ, công tác dân tộc.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực
hiện công tác dân tộc như thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy
hoạch dân cư để phát triển kinh tế-xã hội; tổng kết nhiệm kỳ và chính sách dân
tộc thời gian qua đối với công tác quản lý nhà nước về dân tộc; giữ gìn bản sắc
văn hóa các dân tộc, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Xây dựng đề án, cơ cấu, tổ chức của Ủy ban
Dân tộc nhiệm kỳ tới, củng cố hệ thống chính trị thôn bản có sự tham gia đủ cơ
cấu của đồng bào dân tộc thiểu số; Ủy ban Dân tộc rà soát, lồng ghép các chương
trình giảm nghèo, di dân, tránh chồng chéo, không hiệu quả; đẩy mạnh công tác
tuyên truyền; hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực, kỹ thuật phục vụ công tác dân
tộc.
Các cơ quan Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc
các tỉnh cần nâng cao năng lực tham mưu và xây dựng thể chế, phẩm chất cán bộ
nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa.
Tại Hội nghị, đại diện
lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã phát biểu, cho ý kiến về
công tác dân tộc năm 2014 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2015.
Các đại biểu cũng kiến nghị và đưa ra các giải pháp cụ thể đối với công tác
dân tộc như: Rà soát chính sách dân tộc; bố trí nguồn lực; xây dựng nông thôn
mới tại các xã miền núi khó khăn; việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác
dân tộc; cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững...
|
|