Tòa án quá tải, trọng tài
chưa khởi sắc
Trong dòng chảy hội nhập, sự
gia tăng số lượng các doanh nghiệp đã và đang tạo ra một môi trường
đầu tư kinh doanh hấp dẫn nhưng cũng không kém phần phức tạp, cạnh
tranh gay gắt. Các tranh chấp kinh doanh, thương mại từ đó mà phát
sinh với số lượng ngày càng gia tăng về số vụ và tính chất phức tạp,
đòi hỏi phải có những cơ chế linh hoạt để giải quyết, giúp các doanh
nghiệp tránh được những hậu quả tiêu cực do mâu thuẫn và xung đột lợi
ích gây ra.
Hiện nay, việc giải quyết các
tranh chấp thương mại ở Việt Nam chủ yếu được xét xử thông qua hệ thống
Tòa án và Trung tâm Trọng tài. Trong đó, hệ thống Tòa án đã trở nên
quá tải, dẫn đến tăng lượng vụ án tồn đọng, không kịp giải quyết, làm
ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đơn cử, từ ngày 1/10/2013 đến
30/9/2014, ngành Tòa án đã giải quyết 385.356 vụ án các loại trong
tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý, số vụ đã giải quyết tăng song mới
đạt tỷ lệ 92,8%. Riêng 3 Tòa phúc thẩm, 5 Tòa chuyên trách và Hội
đồng Thẩm phán TANDTC thì đã xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc
thẩm hàng nghìn vụ án; giải quyết tới 1.855 đơn đề nghị giám đốc
thẩm, tái thẩm.
Còn phương thức giải quyết
tranh chấp thương mại bằng trọng tài những năm gần đây cũng ngày
càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bức tranh về trọng tài thương mại
tại Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc khi phương thức này chỉ giải
quyết khoảng 1% tổng số tranh chấp thương mại hàng năm.
Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu phải
đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án để giảm
tải gánh nặng cho hệ thống Tòa án, qua đó góp phần lành mạnh hóa hoạt
động kinh doanh thương mại. Một trong những phương thức phổ biến trên
thế giới hiện nay là hòa giải thương mại.
Nhưng hoạt động hòa giải thương
mại tại Việt Nam với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp
độc lập thì chưa được công nhận, mặc dù trong thực tế một số tổ
chức, doanh nghiệp đã sử dụng hòa giải để giải quyết các tranh chấp
của mình và bước đầu đã phát huy hiệu quả nhất định.
Sẽ là phương thức giải
quyết tranh chấp độc lập
Bởi vậy, Bộ Tư pháp đang chủ trì
xây dựng Dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại nhằm thực hiện chủ
trương “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua
thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công
nhận việc giải quyết đó” được nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến
lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và cam kết quốc tế của Việt
Nam khi gia nhập WTO về dịch vụ hòa giải tranh chấp giữa các thương
nhân.
Theo Dự thảo Nghị định, hòa
giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, phù
hợp với Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế 2002. Hòa giải thương
mại được tiến hành theo thỏa thuận của các bên và có sự hỗ trợ của
một bên thứ ba (hòa giải viên). Hòa giải viên do các bên thỏa thuận
lựa chọn, phải có vị trí độc lập với các bên, hoàn toàn không có lợi
ích liên quan đến tranh chấp, không đại diện cho quyền lợi của bất cứ
bên nào và không có quyền đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp.
Cơ bản đồng tình với quy định
trên, TS. Nguyễn Bá Bình (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh:
“Khác với trọng tài, hòa giải viên không có quyền áp đặt giải pháp
giải quyết tranh chấp mà chỉ hỗ trợ các bên trong việc đưa ra
giải pháp”.
Vì thế, theo ông Bình, Dự
thảo Nghị định cần thể hiện rõ sự khác biệt của hòa giải với thủ tục
trọng tài và tòa án và có thể nêu rõ không khuyến khích các bên sử
dụng thủ tục trọng tài hay tòa án khi đang tiến hành hòa giải. Hiệu
lực thi hành của thỏa thuận hòa giải thành cũng là một trong những
vấn đề quan trọng quyết định hiệu quả của hòa giải thương mại.
ThS. Lê Thị Hoàng Thanh (Viện
Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) lại đề xuất: Để đảm bảo tính hiệu quả,
khả thi của phương thức hòa giải, cần quy định giá trị biên bản hòa
giải theo hướng các bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận
hòa giải theo thủ tục giải quyết việc dân sự quy định tại Bộ luật Tố
tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Nếu được vậy, “sẽ đơn giản, ít
tốn kém thời gian, chi phí thường được áp dụng với các sự kiện, việc
dân sự đã được thừa nhận”, bà Thanh khẳng định.
Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng
đồng tình cần phải có quy định về giá trị pháp lý của thỏa thuận này
và việc thi hành thỏa thuận. Ông Dũng phân tích, thỏa thuận hòa giải
là nơi ghi nhận những ý chí tự nguyện hòa giải của các bên.
Bên cạnh đó, thỏa thuận hòa
giải thành là kết quả của quá trình hòa giải, có giá trị như một hợp
đồng ràng buộc các bên. “Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ từ Tòa án
trong việc đăng ký, công nhận và thi hành thỏa thuận hòa giải thành.
Có như vậy thì việc hòa giải mới thực sự đạt được ý nghĩa của nó”,
ông Dũng đúc rút.
|