“Trong họa có phúc”, những bất cập
phát sinh từ sự cố công chứng viên (CCV) duy nhất của Văn phòng đã chết
lại là khởi nguồn cho việc tạo cơ chế hoạt động thông thoáng, bền vững
hơn cho các tổ chức hành nghề công chứng.
Nỗi buồn mang tên “Việt Tín”
Ngày 9/4/2010, VPCC Thăng Long có văn
bản báo cáo Sở Tư pháp về tình trạng làm giả văn bản công chứng. Báo cáo
của VPCC Thăng Long cũng cung cấp thông tin về Trần Ngọc Cường (SN
1979, trú tại Thụy Khuê, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) và Hà Thùy Linh
(SN 1978, trú tại Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thực hiện
hành vi làm giả văn bản công chứng là hợp đồng ủy quyền của VPCC Thăng
Long.
Cụ thể, bằng cách nào đó, các đối
tượng có trong tay “sổ đỏ” nhà đất của người khác rồi tự lập ra hợp đồng
ủy quyền đóng dấu giả con dấu của VPCC Thăng Long. Các hợp đồng này có
nội dung ủy quyền cho Cường hoặc Linh thực hiện việc bán, chuyển nhượng,
cho thuê, thế chấp… tài sản là nhà ở và đất ở của người khác. Cường và
Linh mang “sổ đỏ” cùng hợp đồng ủy quyền giả đó đi chào bán nhà đất. Với
con dấu đỏ được làm giả y như thật và mức giá bán khá “mềm”, các đối
tượng dễ dàng tìm được khách mua.
Sau khi thỏa thuận thống nhất về giá
bán, các đối tượng đã cầm hợp đồng ủy quyền giả nói trên đến VPCC Việt
Tín tại Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thực hiện giao dịch
công chứng hợp đồng bán tài sản cho người mua. Sau khi nhận được Hợp
đồng mua bán tài sản có công chứng của VPCC Việt Tín, người mua đã đến
Văn phòng Đăng ký nhà đất Hà Nội làm thủ tục sang tên.
Sự việc chỉ bị bại lộ khi nhân viên
của Văn phòng Đăng ký nhà đất chỉ nhận được bản sao (photo) hợp đồng ủy
quyền (giả mạo) nên yêu cầu xuất trình hợp đồng ủy quyền gốc. Nhiều
người đã tìm đến VPCC Thăng Long để xin lại hợp đồng ủy quyền gốc, lúc
này mới té ngửa rằng hợp đồng ủy quyền là không có thực, mặc dù con dấu
thì giống hệt.
Ngoài báo cáo của VPCC Thăng Long,
cùng ngày, Sở Tư pháp TP.Hà Nội còn nhận được thông tin tương tự từ Văn
phòng Đăng ký nhà đất thành phố. Thấy hành vi quá nghiêm trọng, lãnh đạo
Sở Tư pháp đã điện thoại lập tức đề nghị ông Nguyễn Minh Hải lên làm
việc ngay trong chiều thứ sáu, ngày 9/4/2010. Ông Hải có “xin khất” đến
thứ Hai tuần sau (12/4) để có thời gian chuẩn bị. Đến 10h sáng thứ Hai
(12/4), vợ và nhân viên của ông Hải đến Sở Tư pháp gửi đơn báo việc ông
Hải mất tích.
Chính trong thời gian này, đêm 9/4,
ông Hải đã tự tử bằng cách gieo mình xuống sông Hồng từ cầu Thăng Long.
Dư luận rúng động hơn cả khi được biết thông tin rằng không chỉ có 4 bộ
hồ sơ công chứng mà con số hồ sơ “có vấn đề” lên tới gần 200. Xác định
thông tin ông Hải đã chết, Sở Tư pháp Hà Nội đã giao Phòng Bổ trợ tư
pháp lập biên bản niêm phong hồ sơ, tài liệu, sổ sách, con dấu của VPCC
Việt Tín để phục vụ công tác điều tra.
Bất cập với mô hình Văn phòng một CCV
Theo Luật Công chứng năm 2006, do CCV
duy nhất đã chết nên VPCC Việt Tín chấm dứt hoạt động. Vì thế, muốn giải
quyết hậu quả mà VPCC này để lại thì cần phải được một tổ chức công
chứng khác, có thể là Phòng Công chứng hoặc là VPCC tiếp nhận để giải
quyết. Ông Phạm Thanh Cao – khi ấy là Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, nay
là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội – cho biết, đã có một số CCV xin được
tiếp quản và cam kết gánh chịu mọi hậu quả mà VPCC Việt Tín để lại,
nhưng đáng tiếc là luật không cho phép.
Lý do chính khiến nhiều CCV muốn tiếp
quản VPCC này được đồn đại là việc xin phép mở một VPCC tại các quận nội
thành như VPCC Việt Tín là bất khả thi. Rồi cũng có thông tin không
chính thức cho biết, không ít người “gạ” mua lại giấy phép thành lập
VPCC với giá nhiều tỷ đồng, có điều CCV duy nhất đã chết nên không có
người bán.
Một vấn đề đặt ra sau vụ việc này là
có nên duy trì loại hình VPCC chỉ có một CCV duy nhất theo đúng Luật
Công chứng không? Một VPCC chỉ có duy nhất một CCV nghĩa là mọi giấy tờ,
hồ sơ, văn bản đều chờ chữ ký của một người duy nhất. Nhiều người dân
cũng phản ánh về sự chờ đợi dù ngắn hay dài ngày tại những VPCC như thế
vì công việc của họ dễ bị đình lại chỉ vì “ông” CCV nghỉ, đi vắng…
“Cú phát nổ” Việt Tín cho thấy sự bất
cập của loại hình VPCC chỉ có một CCV. Nếu ở các VPCC hợp danh khác,
khi một CCV gặp sự cố, CCV khác sẽ tiếp tục đảm nhận, không để tình
trạng chẳng biết “bới” đâu ra chữ ký của CCV như VPCC Việt Tín. Các cơ
quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng đã phải đứng ra trấn an
người dân rằng sẽ cố gắng bảo đảm một cách tốt nhất cho quyền lợi của
người dân và khẳng định mọi giao dịch đúng, ngay tình sẽ được pháp luật
bảo vệ đến cùng.
Cho phép chuyển đổi, chuyển nhượng là cần thiết
Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật
Công chứng năm 2006 của Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ hạn chế của mô hình VPCC
một CCV như sau: “Nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo
loại hình doanh nghiệp tư nhân (VPCC do một CCV thành lập), thiếu tính
ổn định, bền vững, khi CCV chết phải đóng cửa hoặc khi CCV ốm đau nghỉ
việc thì không có CCV để tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của
người dân”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế này, theo Bộ
Tư pháp là do quy định của Luật còn thiếu so với thực tiễn cần điều
chỉnh, dẫn đến lúng túng trong thực hiện.
Để khắc phục bất cập trên, Luật Công
chứng sửa đổi năm 2014 đã quy định VPCC phải có từ hai CCV hợp danh trở
lên, VPCC không có thành viên góp vốn để bảo đảm sự thông thoáng, tính
hoạt động liên tục, bền vững của VPCC.
Ngoài ra, nhằm giữ vững sự ổn định, kế
thừa, duy trì hoạt động của VPCC, Luật còn bổ sung quy định về việc
chuyển nhượng VPCC khi văn phòng đã hoạt động công chứng được tối thiểu
là 2 năm và “siết chặt” không cho phép CCV đã chuyển nhượng VPCC tham
gia thành lập VPCC mới trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chuyển nhượng.
Đồng thời, Luật cho phép hai hoặc một
số VPCC có trụ sở trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
có thể hợp nhất thành một VPCC mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản,
quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang VPCC được hợp nhất, các VPCC bị
hợp nhất phải chấm dứt hoạt động.
Bên cạnh đó, được hoan nghênh, ủng hộ
hơn cả là quy định mới của Luật Công chứng sửa đổi liên quan đến việc
cho phép chuyển đổi phòng công chứng thành VPCC. Một CCV của VPCC Nguyễn
Tú phân tích, việc chuyển đổi này sẽ giảm chi tiêu, giảm phụ thuộc vào
nguồn ngân sách nhà nước từ con người, chế độ đến trụ sở làm việc, từ đó
tăng khả năng lao động của những người làm trong tổ chức, tạo nên sự
công bằng giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau.
“Trừ một số vùng miền khó khăn về điều
kiện giao thông, kinh tế - xã hội chưa phát triển thì nên xã hội hóa
hết các phòng công chứng theo đúng quy hoạch mạng lưới các tổ chức hành
nghề công chứng. Chẳng hạn như Hà Nội hoàn toàn có khả năng chuyển đổi
hết, các phòng công chứng sẽ thuê lại trụ sở nhà nước, góp phần tăng thu
ngân sách” – vị CCV này kiến nghị.
Đồng tình, CCV Nguyễn Bá Dũng – Trưởng
VPCC Hồ Gươm cũng chỉ ra nhiều lợi ích của việc chuyển đổi phòng công
chứng cho các cơ quan quản lý và cho xã hội, người dân. Cùng nhất trí
với kiến nghị chuyển đổi ở những địa phương có điều kiện phát triển,
nhưng ông Dũng cho rằng, trước mắt cũng nên chuyển đổi các phòng công
chứng hoạt động không hiệu quả, Nhà nước phải bù lỗ để đỡ gánh nặng cho
ngân sách. “Tức là chúng ta không làm ồ ạt, đồng loạt mà nên chọn thí
điểm chuyển đổi” – ông Dũng nhấn mạnh. T.Q
Chuyển đổi, giải thể phòng công chứng
1. Trong trường hợp không cần thiết
duy trì phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi phòng công
chứng thành VPCC trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Chính phủ quy định cụ thể việc chuyển đổi phòng công chứng thành VPCC.
2. Trường hợp không có khả năng chuyển
đổi phòng công chứng thành VPCC thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể phòng
công chứng trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Phòng công chứng chỉ được giải thể sau
khi thanh toán xong các khoản nợ, làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng
lao động đã ký với người lao động, thực hiện xong các yêu cầu công chứng
đã tiếp nhận…
|