Tòa quên luật sư…
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 20h ngày
09/10/2011, Nguyễn Thị Lý đã nhờ Vũ Thế Anh “dằn mặt” một chàng trai
đang theo đuổi mình là nạn nhân Trần Văn Tuyến. Vũ Thế Anh đã rủ các
“chiến hữu” thực hiện lời nhờ vả của Nguyễn Thị Lý. Hậu quả là Trần Văn
Tuyến bị tổn hại 38% sức khỏe. Viện kiểm sát đã truy tố Nguyễn Thị Lý,
Vũ Thế Anh và các bị cáo khác về tội Cố ý gây thương tích theo Khoản 3
Điều 104 Bộ luật Hình sự
Trong vụ án này có 3 luật sư thuộc
Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang được chỉ định tham gia, và họ đã có mặt đầy
đủ tại phiên tòa, tuy nhiên, trong Bản án không thấy ghi sự có mặt của
luật sư tham gia, cũng như quan điểm của luật sư tại phiên tòa. Việc làm
trên của Tòa án nhân dân huyện Yên Thế không những đã coi thường luật
sư, mà còn vi phạm luật TTHS. Tại khoản 2, Điều 224 Bộ luật TTHS quy
định rõ: “trong bản án cần phải ghi rõ… họ tên của người bào chữa”.
Theo thông tin PLVN online vừa nhận
được, mới đây, sau khi có đơn kêu cứu của người nhà bị cáo, TAND huyện
Yên Thế đã bổ sung một bản án khác, trong đó có khắc phục thiếu sót
này.
Phải chăng, với bản án đầu tiên, Tòa
đã coi thường luật sư, hay do bản án được chuẩn bị trước nên không thể
bổ sung các diễn biến chỉ có trong phiên tòa?.
Bỏ qua tinh thần xử lý người chưa thành niên phạm tội
Thêm một điều khó hiểu nữa là tại
phiên tòa này có 7 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, bị cáo Vũ Thế Anh,
sinh 15/8/1994, Nông Văn Dũng, sinh 2/10/1995 nhỏ tuổi nhất, hành vi
phạm tội của bị cáo chưa được làm rõ, nhưng lại là những người chịu mức
phạt cao nhất.
Trong phần luận tội, vị đại diện Viện
kiểm sát đã đề nghị Vũ Thế Anh, Nông Văn Dũng ở mức thấp hơn so với các
bị cáo khác, trong khi các bị cáo khác vừa lớn tuổi, vừa bị viện kiểm
sát đề nghị mức án cao hơn, nhưng khi tuyên án bị cáo này lại bị tù
giam, trong khi đa số bị cáo khác lại được hưởng mức án treo.
Pháp luật quy định “Việc xử lý người
chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai
lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc
xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy
hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra
tội phạm”. Nhưng dường như TAND huyện Yên Thế đã bỏ qua quy định này.
Trong đơn kêu cứu gửi báo Pháp luật Việt Nam,
bố của Vũ Thế Anh và Nông Văn Dũng bức xúc: "Con tôi không chối tội,
nhưng tội phải phù hợp với những hành vi con tôi đã gây ra, có như vậy
người dân chúng tôi mới có niềm tin vào pháp luật, mục đích của pháp
luật không chỉ mang tính trừng trị mà ý nghĩa của pháp luật còn mang
tinh giáo dục người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội". |