Viễn thông là lĩnh vực cạnh tranh và người dùng được hưởng
lợi nhiều nhờ sự cạnh tranh đó, thế nhưng khi trên thị trường, từ miền núi tới
vùng sâu, vùng xa, thế độc quyền viễn thông đã bị phá vỡ thì ngay giữa nhiều
thành phố lớn, hàng ngàn hộ dân lại phải “ngậm ngùi” sử dụng dịch vụ của nhà mạng
nhất định nào đó vì... không có sự lựa chọn.
Hàng chục năm nay, cư dân sống tại khu đô thị Trung Hoà –
Nhân Chính (Hà Nội) phải sử dụng dịch vụ internet của Viettel vì nhà mạng này đã tham gia lắp đặt hệ thống cáp trong quá trình xây dựng khu
đô thị này. Tình trạng độc quyền dịch vụ cũng đã xảy ra ở nhiều khu đô thị,
khu công nghiệp khác, và các nhà mạng cạnh tranh nhau từng khu nhà, từng dự án.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin
Truyền thông tại Chỉ thị số 04/CT-BTTTT về việc tăng cường quản lý
và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy nhập internet băng rộng
cố định mặt đất, sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng thuê bao, công nghệ và
chất lượng dịch vụ, của thị trường dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định
mặt đất đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần mang lại nhiều tiện ích cho người
sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích
cực, trên thị trường vẫn còn tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
trong việc triển khai thiết lập hạ tầng mạng và thu hút người sử dụng như: độc
quyền cung cấp dịch vụ ở một số khu chung cư, đô thị mới dẫn đến việc người
tiêu dùng bị hạn chế sự lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp dịch vụ với giá
cước thấp dưới giá thành với nhiều chương trình khuyến mại không đúng quy định
đã gây lãng phí đầu tư chung của Nhà nước, xã hội; chưa thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ và trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa công bố đầy
đủ thông tin về giá cước, khuyến mại, chất lượng dịch vụ…
Xử lý nghiêm hành vi
độc quyền trong cung cấp dịch vụ internet
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã yêu cầu Cục
Viễn thông có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý, tăng cường
công tác thực thi nhằm bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền
vững, đồng thời tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông trong
việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ
thuật viễn thông thụ động. Đặc biệt, cơ quan này cần tăng cường quản lý giá cước,
khuyến mại, chất lượng dịch vụ truy cập. Những doanh nghiệp vi phạm pháp luật cần
phải bị công bố công khai thông tin để người dùng, xã hội nắm được....
Trong khi đó, Thanh tra Bộ được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các
đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ truy
cập internet băng rộng cố định mặt đất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông và
hành vi độc quyền trong hoạt động cung cấp dịch vụ. Thanh tra Bộ cũng cần phải
hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra chuyên ngành, các Sở TT&TT thanh tra, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn, đặc biệt là hành vi “sử dụng công
trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không bảo đảm nguyên tắc người sử dụng
dịch vụ được tự do lựa chọn doanh nghiệp viễn thông trong các tòa nhà, khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị và khu công nghệ thông tin
tập trung”.
Về phần mình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải tuân thủ
nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý giá cước, quản lý khuyến mại, quản
lý chất lượng dịch vụ; không bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông; không ký kết
thỏa thuận với chủ đầu tư để độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông trong các
khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị, tòa nhà cao tầng
có nhiều chủ sử dụng. Bản thân các chủ đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng
và ký kết thỏa thuận sử dụng hạ tầng viễn thông với các DN viễn thông phải bảo
đảm cho người sử dụng dịch vụ trong khu vực công trình xây dựng được lựa chọn
DN viễn thông, không ký kết thỏa thuận độc quyền cung cấp dịch vụ với bất kỳ DN
viễn thông nào…
|