Yêu cầu trên được Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội
đồng đưa ra trong Phiên họp toàn thể của Hội đồng chiều 19/2 tại Hà Nội.
Hội đồng cần tiếp tục chủ động tham gia ý kiến có chất lượng đối với các dự
án luật, pháp lệnh, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm nay,
nhất là các dự án luật liên quan đến triển khai Hiến pháp.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Hội đồng đẩy mạnh việc đánh giá TTHC tại các
bộ, ngành địa phương, trong đó lưu ý đánh giá chất lượng thực hiện TTHC theo
Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Hội đồng tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp xây dựng tiêu chí đánh
giá cải cách TTHC của các bộ, cơ quan địa phương, trong đó lưu ý sáng kiến,
kinh nghiệm của các địa phương như Quảng Ninh.
Với vai trò là kênh thông tin quan trọng để Chính phủ thể lắng nghe phản
ánh, kiến nghị, sáng kiến cải cách của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng đề
nghị từng thành viên của Hội đồng, trong quá trình tiếp nhận phản ánh, kiến
nghị, khó khăn, vướng mắc, cần tích cực, kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Hội đồng chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công
an, các bộ liên quan trong quá trình triển khai Đề án đơn giản hóa TTHC, giấy
tờ công dân gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hộ tịch.
Đặc biệt, phải triển khai thành công việc thí điểm đăng ký khai sinh đồng thời
với cấp số định danh cá nhân, kết thúc chủ trương này cuối quý I/2016 trước khi
triển khai trên diện rộng.
Với Cục Kiểm soát TTHC - đơn vị thường trực của Hội đồng, Bộ trưởng Hà Hùng
Cường, đề nghị Cục đẩy mạnh huy động sự tham gia của tổ chức pháp chế của các
bộ, ngành, Sở Tư pháp để các hoạt động của Hội đồng được triển khai đồng bộ, đi
vào chiều sâu và có hiệu quả thực chất, nhất là việc tham mưu đề xuất các giải
pháp nhằm phát huy sáng kiến cải cách quy định TTHC cũng như đánh giá việc thực
hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành và địa phương.
Về công tác năm 2015 của Hội đồng, Bộ trưởng đánh giá Hội đồng đã huy
động nhiều cơ quan thành viên tham gia nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách
trong một số lĩnh vực như quản lý lao động nước ngoài, phát mại tài sản bảo
đảm, nợ xấu, nhập khẩu trang thiết bị cũ…
Hội đồng cũng tham gia thực hiện đánh giá việc cải cách TTHC tại các bộ,
ngành địa phương trong các lĩnh vực thuế, hải quan; đánh giá việc thực hiện
Nghị quyết 43/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC
trong việc hình thành và thực hiện một số dự án đầu tư có sử dụng đất để cải
thiện môi trường kinh doanh.
Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của Hội đồng về cải cách quy định thủ tục
hành chính đã được một số bộ, ngành tiêp thu và tổ chức thực hiện có hiệu
quả, Bộ trưởng cho hay.
Các cơ quan thành viên của Hội đồng cũng đã tích cực tham gia ý kiến đối với
các quy định về TTHC trong các dự thảo văn bản pháp luật, đặc biệt là quy định
cấm các bộ, địa phương ban hành các TTHC nêu trong Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật.
Đồng thời tham gia ý kiến đối với phương án đơn giản hóa các nhóm quy định,
TTHC của các bộ, ngành theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,
qua đó chuyển tải tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp tới các cơ
quan quản lý nhà nước để tiếp tục đơn giản hóa TTHC, góp phần đẩy mạnh sản xuất
kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân.
Công tác tiếp nhận và xử lý kiến nghị của các thành viên Hội đồng Phòng
Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội
Dệt may, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam… tiếp tục
được quan tâm triển khai.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian
tới, trong đó, hoạt động của Hội đồng chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa
phát huy đầy đủ vai trò tư vấn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những sáng kiến
mang tính đột phá cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản
xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nói ông “rất sốt ruột” khi một số sáng kiến, đề xuất
cải cách TTHC chưa rõ nét. Có trường hợp sáng kiến đề xuất đã được phê duyệt
nhưng chậm được triển khai trong thực tế.
|