Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia
là: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New
Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam dự kiến được ký kết tại Auckland, New
Zealand vào hôm nay, ngày 4/2.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu sẽ
tham gia lễ ký này.
Theo thống nhất của các nhà Lãnh đạo các nước thành viên TPP, ngay
sau lễ ký kết, Hiệp định sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn theo đúng quy định của
pháp luật.
Sau hơn 5 năm đàm phán, các nước TPP đã đạt được mục tiêu đề ra
vào năm 2011, đó là, thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng - một
hiệp định trải dài khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm ba lục địa và tạo
ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân.
Thông qua việc xây dựng các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao để hỗ
trợ các hoạt động giao thương trong thế kỷ 21 và thực hiện tự do hóa thương mại
và đầu tư đầy tham vọng, Hiệp định TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết
cùng có lợi giữa các nền kinh tế TPP; tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực và
toàn cầu của các thành viên, hỗ trợ tạo công ăn việc làm và cơ hội mới cho giới
trẻ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cũng như hỗ trợ cải cách và xóa
đói giảm nghèo, đồng thời đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho người dân.
Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ
TPP, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ.
Đồng thời, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong
những vấn đề như: quy mô, chất lượng nền kinh tế so với các nước thành viên TPP
khác, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao; năng lực cạnh tranh cả
về sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia đều hạn chế, dễ bị tổn thương; trong thực
thi TPP với những nội dung mới cũng là một thách thức lớn; chất lượng nhân lực
về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp đều còn hạn chế.
Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn thực thi các Hiệp định thương mại tự
do (FTA) trong đó có TPP, Việt Nam đã tập trung ưu tiên thực hiện một số biện
pháp như: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đặc biệt liên quan đến các FTA; đẩy
mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục
thực hiện triệt để công tác cải cách hành chính để tăng tính cạnh tranh của môi
trường kinh doanh, đầu tư, thu hút đầu tư, hợp tác vào Việt Nam; tập trung các
biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực trong thông tin tuyên
truyền để xã hội hiểu, đồng thuận và thực hiện nghiêm túc TPP.
Việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam khi tham gia
vào sân chơi chung của các nước TPP với tổng giá trị chiếm tới 40% kinh tế toàn
cầu và đóng góp cho GDP thế giới gần 300 tỷ USD mỗi năm. |