Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Ủy
ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân điều hành Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh: Cùng với thành công đại hội đảng bộ các cấp và đặc biệt là thành công rực
rỡ Đại hội XII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng và là
đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông
qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại
diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để
tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng
như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị
trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2016.
Hội nghị này quán triệt tinh thần đổi mới cả về tư duy, tổ chức và
hoạt động của toàn hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Ngay sau Hội nghị, các cấp ủy, các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị
có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết
Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế
hoạch 5 năm 2016-2020 và thực hiện tốt nhất phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu
cử, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt kết quả tốt nhất và thực sự trở thành ngày
hội của toàn dân.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ
tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đã trình bày Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13/1/2016
của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Cuộc bầu cử lần này là sự
kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương,
được tổ chức vào thời điểm cả nước đã giành được những thành tựu quan trọng
trên tất cả các lĩnh vực theo các chỉ tiêu KT-XH đã đặt ra đối với cả nhiệm kỳ
Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2011-2016.
Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ
Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế
hoạch triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên
truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và các
tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; Bộ KH&ĐT cung
cấp số liệu dân số đến ngày 31/12/2015 của từng địa phương làm căn cứ tính số
lượng đại biểu ở mỗi đơn vị hành chính; Bộ GTVT xây dựng kế hoạch, phương án cụ
thể bảo đảm an toàn giao thông và thông tin liên lạc; Bộ Quốc phòng và Bộ Công
an xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội; các bộ: Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính,
Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao khẩn trương triển khai kế hoạch công tác chuẩn bị, tổ chức
cuộc bầu cử theo đúng tiến độ từng giai đoạn của cuộc bầu cử, bảo đảm cho cuộc
bầu cử thành công tốt đẹp.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Tổ
chức Trung ương Phạm Minh Chính trình bày các quy định về tiêu chuẩn nhân sự
đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2016-2021.
Tổng số lượng ĐBQH Khóa XIV là 500 người, được Ủy ban Thường vụ
Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở Trung ương
và địa phương như sau: Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Trung ương là
198 đại biểu (39,6%). Trong đó, các cơ quan Đảng là 11 đại biểu, cơ quan Chủ
tịch nước là 3 đại biểu, cơ quan Quốc hội là 114 đại biểu chuyên trách Trung
ương (dự kiến 20% đại biểu là nữ và 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số);
đại biểu các cơ quan thuộc Chính phủ là 18; Bộ Quốc phòng là 15 đại biểu; Bộ
Công an là 3 đại biểu; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là 31 đại
biểu; TANDTC 1 đại biểu; Viện KSNDTC là 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước là 1
đại biểu.
Đại biểu Quốc hội ở địa phương là 302 đại biểu (60,4%) với 63
lãnh đạo chủ chốt địa phương làm Trưởng đoàn ĐBQH, 67 Phó Trưởng đoàn chuyên
trách địa phương (riêng TP. Hà Nội, TPHCM, Nghệ An và Thanh Hóa có 2 Phó đoàn
chuyên trách).
Về cơ cấu kết hợp có khoảng 80 Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII
tham gia Quốc hội khóa XIV, trong đó có 12-14 đồng chí là Ủy viên Bộ
Chính trị, Ban Bí thư; đại biểu ngoài Đảng khoảng 25-50 người, đại biểu dưới
40 tuổi khoảng 50 người, đại biểu tái cử khoảng 160 người...
|
|