Bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết
Báo
cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về 8 vấn đề trọng tâm của Dự thảo Bộ
luật Hình sự (BLHS), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết đa
số ý kiến tán thành với Dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách
nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân vào BLHS và cho rằng đây là một trong
các nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong
việc sửa đổi BLHS lần này.
Việc
bổ sung quy định TNHS của pháp nhân vào thời điểm này là cần thiết và
đúng lúc nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn xử lý vi phạm của
pháp nhân hiện nay. Quy định này còn nhằm thực thi các cam kết của Việt
Nam trong các điều ước quốc tế đã tham gia, bảo đảm công bằng giữa các
pháp nhân trong và ngoài nước và sự thống nhất của hệ thống pháp luật
hiện hành.
Tuy
nhiên, ý kiến khác đề nghị không nên bổ sung trách nhiệm hình sự của
pháp nhân vì cho rằng vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp
luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện mà không phải do thiếu cơ sở
pháp lý.
Đồng
tình với việc quy định TNHS của pháp nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật
sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho rằng, thực tiễn cho thấy việc núp bóng
dưới danh nghĩa pháp nhân để thực hiện hành vi phạm tội ngày càng nhiều,
mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, do đó đặt ra vấn đề TNHS của pháp nhân
trong thời điểm này là hợp lý.
Cùng
quan điểm, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Lê Viết Hồng cho rằng quy định
TNHS của pháp nhân là cần thiết nhưng băn khoăn việc đề xuất xử lý với
32 tội danh. “Nên giảm một số tội, tội nào có thể xử lý hành chính thì
không nên xử lý hình sự”, ông Hồng đề xuất.
Đại
đa số đại biểu tại hội nghị tán thành với việc quy định TNHS của pháp
nhân. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định
này. Đại diện đến từ Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ
Công an) lo ngại quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng khi doanh
nghiệp bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động. Hơn nữa, Dự thảo BLHS chưa
quy định mức độ chịu TNHS của cá nhân và pháp nhân sẽ khó cho cơ quan
tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật.
Băn khoăn đề xuất bỏ tử hình một số tội phạm
Về
vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, Dự thảo Báo cáo
của Chính phủ cho biết, đa số ý kiến tán thành phương án bỏ hình phạt tử
hình đối với 07 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ
trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Dự thảo BLHS (sửa đổi) và
đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà
soát để bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa nhằm tiếp
tục thực hiện chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, một số ý
kiến không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội.
Đại
diện Sở Tư pháp Quảng Bình và nhiều ý kiến khác cơ bản đồng ý với đề
xuất bỏ tử hình với một số tội phạm nhưng băn khoăn bỏ tử hình với tội
vận chuyển trái phép chất ma túy. “Từ tội phạm về ma túy dẫn đến nhiều
tội phạm khác khiến nhiều vùng quê hết sức nhức nhối. Bỏ tử hình liệu có
đảm bảo tính răn đe hay không?”. Các ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ tử hình
với tội này.
Còn
theo đại diện Bộ Công an, không nên bỏ tử hình với tội vận chuyển trái
phép chất ma túy vì tội phạm này đang diễn biến phức tạp. Hơn nữa, Dự
thảo BLHS đã loại trừ những trường hợp người nghèo vận chuyển ma túy
thuê là vấn đề lâu nay tuyên án tử hình còn nhiều trăn trở.
Phát
biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh đây là báo cáo đặc
biệt quan trọng, do đó cần tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan,
chính xác ý kiến của nhân dân về từng vấn đề cụ thể. Các đề xuất của
Chính phủ phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp 2013, các định hướng của Bộ
Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để làm sao khi Bộ luật được thông qua sẽ
đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.
Tính đến 16h ngày 20/9/2015, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả lấy
ý kiến nhân dân của 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 39 tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Qua tổng
hợp các báo cáo và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì ước
tính có khoảng hơn 3 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về Dự
thảo BLHS (sửa đổi). Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan
ở Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà
nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện
nghiên cứu, cơ sở đào tạo...