Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng -
Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Nguyễn Bá Anh như sau:
Điều 17 Luật Người cao tuổi quy định đối tượng được hưởng chính sách bảo
trợ xã hội như sau:
"1. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có
nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng
nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.
2. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường
hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã
hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng".
Trước ngày 1/1/2014, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 6 Nghị định
số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, đối với người từ đủ 80 tuổi trở
lên, sống tại cộng đồng do UBND xã, phường, thị trấn quản lý, không thuộc diện
hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người
có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã
hội hằng tháng, mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ
cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng mức trợ cấp 180.000 đồng/người/tháng (hệ
số 1,0).
Ngày 21/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy
định chính sách bảo trợ xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 1/1/2014. Điều 6 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP hết
hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 4; điểm b, khoản 5, Điều 5; điểm l,
khoản 1, Điều 6 của Nghị định 136/2013/NĐ-CP, người từ đủ 80 tuổi trở lên,
không thuộc diện hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc
có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ
cấp xã hội hàng tháng, mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng
tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng mức trợ cấp bằng mức chuẩn trợ
cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng nhân với hệ số 1,0.
Bên cạnh đó, tại điểm d, khoản 1, Điều 9 và điểm c, khoản 1, khoản 2
Điều 11, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP còn có quy định:
Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ
cấp hàng tháng khác mà chưa được cấp thẻ BHYT miễn phí thì được Nhà nước cấp
thẻ BHYT.
Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng, trợ
cấp hàng tháng khác khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng. Mức hỗ trợ chi
phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Trường hợp ông Nguyễn Bá Anh hỏi, hiện nay mẹ của ông đang hưởng trợ cấp
tuất hàng tháng theo quy định tại Điều 64 Luật BHXH, do vậy không thuộc
đối tượng hưởng trợ cấp người cao tuổi theo quy định khoản 1, Điều 4; điểm b,
khoản 5, Điều 5; điểm l, khoản 1, Điều 6 của Nghị định 136/2013/NĐ-CP nêu trên.
Tuy nhiên, mẹ ông Anh sẽ được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí (nếu chưa
được cấp) và khi chết sẽ được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ
giúp xã hội 270.000 đồng theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 và điểm c,
khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định này .
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
|