Ông Lại cũng có một số đề nghị mong được xem xét để đời
sống của những người thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình như ông
giảm bớt được những khó khăn:
- Người thương binh nặng và người phục vụ thương binh nặng dù ở
trại an dưỡng hay ở nhà thì đều được hưởng các chế độ như nhau.
- Người thương binh nặng và người phục vụ thương binh nặng hàng năm đều
được cấp BHYT miễn phí và khi tham gia khám, chữa bệnh ở các cơ sở y
tế được thanh toán 100%.
- Người thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiền sửa chữa
nhà ở và được miễn tiền thuế đất ở hàng năm.
- Có chế độ cụ thể cho người phục vụ thương binh nặng tại nhà
khi đến tuổi về hưu hoặc khi người thương binh nặng qua đời.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả
lời ông Lê Thanh Lại như sau:
Thứ nhất, người phục vụ thương binh ở các
Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh (trại an dưỡng) là cán bộ, công
chức, viên chức hoặc người làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động được hưởng
các chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (không hưởng
trợ cấp người phục vụ)
Vì vậy, kiến nghị cho người phục vụ thương binh tại gia đình được hưởng
chế độ như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các Trung tâm nuôi
dưỡng, điều dưỡng thương binh (trong đó có chế độ hưu trí) là không có cơ sở
thực hiện.
Thứ hai, theo Khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh số
04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 thì người phục vụ thương binh bị suy giảm khả
năng lao động từ 81% trở lên được Nhà nước mua BHYT (tức là được cấp thẻ BHYT
miễn phí). Còn việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh được thực hiện theo quy
định của Luật BHYT. Vì vậy, những vướng mắc liên quan đến nội dung này, đề nghị
ông gửi đơn đến Bộ Y tế để được xem xét, trả lời theo thẩm quyền.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về hỗ
trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Thương binh đang ở nhà tạm hoặc
nhà ở bị hư hỏng nặng thuộc diện được xem xét hỗ trợ nhà ở.
Theo Điều 4 Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 1/7/2013 quy định
trình tự lập và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở thì Sở Xây dựng là cơ
quan có thẩm quyền xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án hỗ trợ người có
công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Vậy đề nghị ông liên hệ với Sở
Xây dựng để được xem xét, trả lời theo thẩm quyền.
Thứ tư, khi thương binh qua đời thì thân nhân được hưởng ưu
đãi theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy
ban thường vụ Quốc hội và Điều 32 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính
phủ. Nếu người phục vụ thương binh cũng là thân nhân của thương binh thì được
hưởng các ưu đãi theo quy định nêu trên. Trường hợp người phục vụ không phải là
thân nhân của thương binh thì khi thương binh qua đời (không còn đối tượng phục
vụ) không có cơ sở để tiếp tục hưởng trợ cấp ưu đãi.
Về chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, theo quy định tại Khoản
1, Điều 5, Thông tư 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 3/6/2014 của Liên
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thì mức chi
chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà là 1.100.000
đồng/người/lần. Phương thức chi trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Như vậy, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh chi trả ông 1.100.000 đồng/lần
là đúng theo quy định.
|