Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng -
Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Cương như sau:
Theo thông tin ông Nguyễn Sỹ Cương cung cấp, nhận thấy ông đã làm việc
tại 3 nơi làm việc khác nhau, vào 3 thời điểm khác nhau.
Từ năm 1990 đến tháng 2/2008, ông là công chức trong cơ quan nhà nước,
chế độ thôi việc đối với công chức vào thời điểm ông thôi việc áp dụng Nghị
định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của
Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ
công chức.
Tại khoản 1 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 Nghị định này quy định công chức có
đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn
bản thì được hưởng chế độ thôi việc. Trường hợp công chức tự ý bỏ việc hoặc xin
thôi việc mà chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền thì không được hưởng
chế độ thôi việc.
Trợ cấp thôi việc và kinh phí trả trợ cấp thôi việc được quy định tại
Điều 8 và khoản 1 Điều 10 Nghị định này như sau: Công chức thôi việc theo quy
định tại Nghị định này thì cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng
lương hiện hưởng (là mức lương theo ngạch, bậc) và các khoản phụ cấp hiện hưởng
(nếu có gồm các khoản phụ cấp được đóng bảo hiểm xã hội) do nhà nước quy định;
trường hợp thấp nhất cũng được hưởng bằng 1 tháng lương hiện hưởng và các
khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có) do nhà nước quy định.
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với công chức trong các cơ
quan nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy trong chi phí hoạt động thường xuyên
đã được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm.
Trường hợp ông Cương phản ánh, cơ quan cũ không đồng ý giải quyết thôi
việc mà chỉ đồng ý cho ông chuyển công tác đến một cơ quan nhà nước khác (để
không phải chi trả trợ cấp thôi việc), thực tế nơi ông chuyển đến làm việc lại
không phải là cơ quan nhà nước mà là công ty cổ phần, nhưng cơ quan đã đồng ý
và làm thủ tục cho ông chuyển nơi làm việc.
Theo luật sư, đây là trường hợp công chức được cơ quan nhà nước đồng ý
cho thôi việc, để chuyển đến làm công việc mới tại một công ty cổ phần theo hợp
đồng lao động, không phải là trường hợp chuyển công tác từ cơ quan nhà nước này
sang cơ quan nhà nước khác, nên thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc
theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP. Nhưng nay, nếu ông
Cương có khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp về việc không được nhận trợ
cấp thôi việc tại cơ quan cũ thì thời hiệu khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh
chấp đã hết. Do đó việc yêu cầu được hưởng trợ cấp thôi việc ở cơ quan cũ nay
không thể thực hiện được.
Từ tháng 8/2008 ông Cương làm việc tại công ty cổ phần, đến tháng 3/2009
thì xin thôi việc, được công ty đồng ý. Thời điểm ông Cương thôi việc tại công
ty cổ phần áp dụng chế độ thôi việc quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm
1994: Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc
thường xuyên trong doanh nghiệp từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách
nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng
với phụ cấp lương, nếu có.
Thời gian ông Cương làm việc thường xuyên trong công ty cổ phần chưa đủ
một năm nên chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thôi việc. Thời gian ông Cương đóng
bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP bắt đầu từ ngày
1/1/2009 đến hết tháng 3/2009 cũng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Kể từ tháng 4/2009, ông Cương thực hiện hợp đồng lao động tại một Công
ty TNHH 2 thành viên, có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì, khi bị
mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật
sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều
15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Công ty này không có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc thay cho các cơ
quan, doanh nghiệp mà ông đã làm việc trước đây.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà
Nội
|