Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng
Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Nghiệp như sau:
Theo thông tin ông Nguyễn Kiến
Nghiệp cung cấp, ông đang làm việc tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ công
ty nhà nước, hiện nay công ty này đang xếp lương và tiếp tục thực
hiện thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị
định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12 /2004 của Chính phủ cho
đến khi công ty hoàn thành việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương
theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.
Theo Bảng lương viên chức chuyên
môn, nghiệp vụ ở các công ty nhà nước ban hành kèm theo Nghị định
số 205/2004/NĐ-CP, ông Nghiệp đang xếp lương theo thang lương ngạch chuyên
viên, kinh tế viên, kỹ sư, bậc 8/8 hệ số 4,51. Bậc 8/8 là bậc cuối cùng,
có hệ số lương cao nhất của thang lương này. Các thang lương, bảng lương, chế
độ phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP không quy định
chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với người lao động đã xếp bậc lương
cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
Vì vậy, nếu không đủ điều kiện, tiêu
chuẩn thi hoặc không đạt kết quả thi nâng ngạch từ ngạch chuyên viên lên ngạch
chuyên viên chính thì ông Nghiệp tiếp tục hưởng bậc lương cuối cùng (bậc 8/8)
của ngạch chuyên viên.
Điều kiện thi nâng ngạch chuyên viên
chính
Ở công ty TNHH một thành viên do Nhà
nước làm chủ sở hữu, các tổ chức, đơn vị của Nhà nước, công ty cổ phần và công
ty TNHH hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty
TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hiện đang xếp lương theo thang
lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (chưa xây dựng
xong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số
49/2013/NĐ-CP) thì, việc nâng ngạch lương đối với người lao động từ ngạch
chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính vẫn thực hiện theo Thông tư số
04/1998/TT-LĐTBXH ngày 4/4/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo
đó, yêu cầu về trình độ đối với chuyên viên chính như sau:
- Có trình độ đại học trở lên đúng
chuyên ngành và đã qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính và doanh nghiệp. Nếu có
trình độ đại học khác thì phải có chứng chỉ đã qua bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ
tương đương đại học chuyên ngành, lĩnh vực đòi hỏi.
- Đã có thời gian ở ngạch chuyên viên
ít nhất từ 6 năm trở lên.
- Có ít nhất một ngoại ngữ đọc, nghe
và giao tiếp được với người nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn.
- Có đề tài hoặc công trình được áp
dụng trong công tác quản lý hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Người lao động phải có đủ các điều
kiện sau đây mới được xem xét thi nâng ngạch:
- Có đủ thời gian thâm niên ở ngạch
hiện giữ theo quy định của tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ doanh nghiệp.
- Không vi phạm nội quy lao động của
doanh nghiệp.
- Có đơn xin thi nâng ngạch và được
Hội đồng thi nâng ngạch của doanh nghiệp chấp thuận.
Theo quy định tại Thông tư số
04/1998/TT-LĐTBXH và hướng dẫn tại công văn số 1746/LĐTBXH-TL ngày 8/6/2005 của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì trường hợp người lao động đang hưởng
bậc 8/8 ngạch chuyên viên, hệ số 4,51, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thi
và đạt kết quả thi nâng ngạch thì được chuyển xếp vào bậc 3/6 ngạch chuyên
viên chính, hệ số 4,66 và được hưởng lương bậc 3/6 ngạch chuyên viên chính bắt
đầu từ khi có quyết định nâng ngạch.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà
Nội
|