Không đẩy khó khăn về phía người dân
Có thể nói, chưa bao giờ ngành tư pháp
lại được tin cậy giao nhiều trọng trách như hôm nay. Từ hoạt động xây
dựng, theo dõi thi hành pháp luật, thi hành án đến các công việc hành
chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, phổ biến pháp luật, lý lịch tư pháp… Mỗi
lĩnh vực đều có những khó khăn riêng, nhất là những nhiệm vụ mới được
giao, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, đòi hỏi
tư pháp ngay lập tức phải “bắt nhịp” vì nếu chậm một ngày, quyền lợi của
người dân sẽ không được đảm bảo.
“Nếu có khó khăn thì nhà nước phải nhận
khó khăn đó về mình, không được đẩy về phía người dân” - Bộ trưởng Hà
Hùng Cường đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ dưới quyền của mình khi giải
quyết những công việc cho dân. Là Trưởng ban soạn thảo những dự án Luật
lớn, Bộ trưởng luôn đặt mục tiêu hàng đầu là phải làm thế nào để người
dân được thuận lợi nhất,ít tốn kém công sức, tiền của nhất. Vì thế nhiều
sự án Luật khi trình ra Quốc hội được sự đồng thuận cao.
Những năm gần đây, chủ trương xã hội
hóa trong nhiều lĩnh vực được ngành tư pháp triển khai mạnh mẽ và được
người dân đón nhận nhiệt tình. Từ chỗ phải chen chúc trong những phòng
công chứng chật chội nay việc công chứng tách ra khỏi chứng thực, người
dân thêm nhiều cơ hội lựa chọn hơn với sự xuất hiện của các văn phòng
công chứng, còn việc chứng thực thì chỉ cần đến xã là giải quyết được
ngay. Các thủ tục về khai sinh, tử, kết hôn cũng được cắt giảm tối đa về
thủ tục, thời gian để dân bớt đi lại.
Trong lĩnh vực đấu giá, việc ra đời của
các doanh nghiệp đấu giá cũng cho người dân thêm sự lựa chọn mới, mô
hình thừa phát lại được thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh đã cho
những kết quả rất khả quan… Tới đây, khi Luật Giám định Tư pháp có hiệu
lực, quyền yêu cầu giám định được mở rộng, các văn phòng giám định tư
pháp ra đời, người dân cũng “bớt khổ” hơn khi có việc phải “đáo tụng
đình”. Xa hơn, dự án Luật Hộ tịch đang có những đổi mới mang tính đột
phá, chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho dân khi có yêu cầu.
Góp sức trong phát triển kinh tế xã hội
Đánh giá về công tác Tư pháp, Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa nhấn mạnh: “Tư pháp ngày càng
đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Là tỉnh còn
nhiều khó khăn về kinh tế, đường biên giới dài, trình độ hiểu biết pháp
luật của đồng bào còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cái rốn của ma túy vùng
Tây Bắc nên tư pháp cũng gặp nhiều khó khăn, song theo bà Hoa “tư pháp
đã làm tốt công tác phổ biến giáo dục đến người dân, cùng chính quyền
các cấp trong tỉnh góp phần ổn định tình hình Mường Nhé, làm giảm án dân
sự tồn đọng trên địa bàn…”
Là người sâu sát với công tác tư pháp,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng cùng nhìn nhận “Tư pháp đã
đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, thi hành án đã giải quyết
triệt để, kịp thời yêu cầu chính đáng của người dân, không xảy ra khiếu
nại vượt cấp”. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh chung nhận định
nhưng theo ông, với những đặc thù của tỉnh, Hà Giang cần những ưu đãi
riêng để ngành Tư pháp có đủ “lực”, nhất là trong công tác cán bộ, đủ để
đáp ứng yêu cầu công việc
Khác với các địa phương trong cả nước,
TP.Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thí điểm thừa phát lại, một mô
hình thực sự mới mẻ nhưng sau 2 năm thực hiện đã cho những thành công
bước đầu được xã hội đón nhận. Ghi nhận những kết quả trong lĩnh vực này
nhưng Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Đua bày tỏ mong muốn
thành phố tiếp tục được ủng hộ, được phép lập thêm nhiều văn phòng thừa
phát lại. Mô hình này khi được nhân rộng ra các tỉnh, sẽ tạo ra sự cộng
hưởng chung, là cơ sở vững vàng để chế định thừa phát lại đi vào cuộc
sống.
Vượt khó: không chỉ mình tư pháp
Tư pháp mặc dù ngày càng khẳng định vai
trò trong sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung, từng địa
phương nói riêng nhưng công tác này vẫn gặp không ít khó khăn. Trước hết
đó là tình trạng thiếu biên chế dù những năm gần đây đã dần được khắc
phục nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu, trong khi ngành Tư pháp đã và
đang chủ trương phân cấp mạnh về cho cơ sở thì với khối lượng công việc
như hiện nay nhiều nơi đang thực sự “quá tải”.
Đặc biệt cấp huyện, đội ngũ cán bộ tư
pháp còn rất mỏng, cấp xã, cán bộ tư pháp hộ tịch phải “gánh” đến hơn 10
đầu việc trong khi cơ bản vẫn chỉ có một người. Nhiều nơi, đặc biệt ở
các tỉnh miền núi, nguồn tuyển dụng cán bộ vào ngành Tư pháp hết sức khó
khăn.
Bên cạnh đó, chế độ cho cán bộ tư pháp
cũng còn rất hạn hẹp. Cục trưởng Cục THADS TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn
Lực từng nói, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, chấp hành viên hiện còn
chưa tương xứng với áp lực và tính hiểm nguy của công việc mà hàng ngày
họ đang phải đối mặt. Vì thế mỗi năm, ngành Thi hành án TP phải “bất
lực” đứng nhìn hàng chục cán bộ “dứt áo ra đi”…
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để đảm bảo
cho các hoạt động tư pháp hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao
của công việc, nhất là ở các tỉnh ngân sách thu không đủ chi, trung ương
phải hỗ trợ. Vì thế, nhiều hoạt động của tư pháp rất gần dân nhưng hiệu
quả triển khai chưa như mong muốn như công tác phổ biến pháp luật, trợ
giúp pháp lý, đăng ký hộ tịch…
Để giải quyết các vấn đề nói trên, cần
có sự hỗ trợ, quan tâm,chia sẻ của các Bộ, ngành, đặc biệt cấp ủy, chính
quyền địa phương. Bản thân ngành Tư pháp cũng cần nỗ lực hơn nữa, khẳng
định vai trò của mình trong đời sống, nói như Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng
Cường thì hãy làm thật tốt công việc của mình để rồi “hữu xạ tự nhiên
hương”… |