Bước đầu thể hiện được
nguyên tắc kiểm soát quyền lực
Báo cáo về những nội
dung cơ bản của Dự án Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, Viện trưởng Viện Khoa học
kiểm sát (VKSNDTC) Nguyễn Tiến Cương cho biết, Dự thảo Luật đã thể hiện được
chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp của VKSND với các cơ quan tư pháp
khác.
Theo đó, trong mối quan
hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, VKSND được xác định là
thiết chế kiểm soát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp đồng thời kiểm
sát chặt chẽ, thường xuyên đối với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành
án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp.
Mặt khác, VKSND cũng
chịu sự kiểm soát của các cơ quan tư pháp, của nhân dân không chỉ bằng các
thiết chế dân chủ đại diện (như Quốc hội, HĐND) mà còn thông qua dân chủ trực
tiếp và các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, hoạt động của VKSND còn chịu
sự giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Hội Luật gia
và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông qua sự tham gia của đại diện các tổ chức
này trong Hội đồng tuyển chọn, Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên.
Đối với Dự án Luật Tổ
chức TAND sửa đổi thì đã có một số quy định cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền
lực giữa cơ quan lập pháp với cơ quan tư pháp được quy định tại Hiến pháp. Cụ
thể là, thẩm quyền của Quốc hội quy định tổ chức, hoạt động của TAND, bầu, miễn
nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TANDTC; phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
thẩm phán; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải
thể TAND cấp cao, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp sơ thẩm và các
Tòa chuyên trách của TAND; giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch nước với hoạt động của TANDTC.
Chưa thực sự đổi mới
Tuy nhiên, theo nhận
định của nhóm chuyên gia Hội đồng Tư vấn thẩm định, cơ chế kiểm soát của các cơ
quan nhà nước khác đối với hoạt động của VKSND còn đơn giản. Bởi sự tuyển chọn
kiểm sát viên VKSNDTC không chỉ liên quan đến công tác tổ chức mà còn liên quan
đến trình độ, năng lực cũng như phẩm chất đạo đức, uy tín nghề nghiệp của kiểm
sát viên được chọn nên cần mở rộng hơn nữa sự tham gia của đại diện các cơ quan
có mối liên hệ về công tác chuyên môn với VKSND như đại diện lãnh đạo Liên đoàn
Luật sư Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tư pháp nhằm đánh giá khách quan, chính xác
hơn phẩm chất, năng lực của những người được lựa chọn là kiểm sát viên
VKSNDTC.
Còn Dự thảo Luật Tổ chức
TAND chưa có những quy định cụ thể hóa cơ chế kiểm soát của cơ quan tư pháp
(Tòa án) đối với hoạt động thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp. Không
những thế, các quy định về cơ chế kiểm soát của cơ quan hành pháp (Chính phủ)
đối với việc thực hiện quyền tư pháp cũng còn hạn chế.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn chỉ ra, mô hình tổ chức TAND
trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND vẫn khép kín, vẫn quy định TAND quản lý hành
chính. “Biến Tòa án thành một Bộ mất rồi thì làm sao bảo đảm tính độc lập khi
xét xử được? Ngoài các quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán
TANDTC thì Chính phủ có quyền gì trong quản lý hành chính đối với Tòa án
không?” – ông Thuận nêu ra hàng loạt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc phân tích, mặc dù Hiến pháp năm 2013 không
quy định thiết chế Ủy ban Kiểm sát trong cơ cấu tổ chức của hệ thống các cơ
quan VKSND song Dự thảo Luật vẫn duy trì thiết chế này ở cả 3 cấp là VKSNDTC,
VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh.
Từ đó, ông Phúc không
tán thành quy định Ủy ban Kiểm sát quyết định thay Viện trưởng VKSND, làm giảm
vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng. Đồng tình, chuyên gia cao cấp Bộ Tư
pháp Dương Thanh Mai đề nghị, nếu tiếp tục thiết lập thiết chế này thì nên quy
định rõ Ủy ban Kiểm sát chỉ là cơ quan tư vấn và cũng chỉ nên thành lập ở
VKSNDTC.
Liên quan đến những thảo
luận trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng cần làm rõ hơn vị
trí, vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đồng
thời Chính phủ tham gia quản lý đối với Tòa án địa phương như thế nào để bảo
đảm thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia. Đối với Luật Tổ chức VKSND, Bộ
trưởng đề nghị làm rõ chức năng thực hành quyền công tố (chỉ có tố tụng hình
sự) và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; giải mã cho được nguyên tắc thủ
trưởng chế với vấn đề tranh tụng; xác định cụ thể mối quan hệ giữa Chính phủ
với VKSND…
|