Bớt chi phí cho DN cả
khi “vào” và “ra”
Theo các chuyên gia kinh
tế, suốt 10 năm qua, các qui định của pháp luật về DN không ngừng gia tăng về mức
độ “không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch,
không tiên liệu trước được, không hiệu quả và không hiệu lực”. Do đó, ngoài
việc phải giải quyết những khó khăn, thách thức thương mại, DN còn phải lo
“chạy”, lo “xin” cho đủ giấy phép, thủ tục pháp lý nếu muốn tránh được các rủi
ro pháp lý để thực hiện quyền kinh doanh của mình và “chớp” thời cơ kinh
doanh.
Vì thế, với những nội
dung thay đổi cơ bản, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) hướng tới mục tiêu “đưa DN thực
sự là công cụ kinh doanh rẻ hơn và an toàn hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư, thu
hút, huy động các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh”. Trong đó, thay đổi đầu
tiên và là một trong những thay đổi quan trọng nhất là đơn giản hóa, rút được 5
thủ tục và giảm đáng kể hồ sơ đăng ký thành lập DN.
Đặc biệt, qui định
“không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” xét
về bản chất là sự thay đổi từ việc DN được tự do kinh doanh những gì đã đăng ký
sang DN được quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm như qui định
tại Điều 33 Hiến pháp 2013.
Sau đó phải kể đến những
qui định được sửa đổi để tạo cho DN quyền tự do hơn, linh hoạt hơn trong việc
thiết lập cơ cấu quản trị của mình, đồng thời thay đổi những qui định làm cho
việc ra quyết định trong DN trở nên linh hoạt hơn, nhanh chóng, ít tốn kém hơn
đối với hoạt động kinh doanh của DN; bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư, đặc biệt là
các nhà đầu tư thiểu số vốn đang là điểm rất kém trong đánh giá về môi trường
kinh doanh của Việt Nam. “Với thay đổi như thế, chúng ta hy vọng có thể tăng
được 40 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh” - một chuyên gia kinh tế đánh
giá.
Bên cạnh đó, những thay
đổi trong Luật DN (sửa đổi) làm cho chế độ minh bạch, công khai hóa trong DN,
nhất là những DN có sở hữu nhà nước với tiêu chuẩn như các công ty niêm yết
trên thị trường chứng khoán, vừa đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN nhà
nước, vừa phát huy vai trò của người đại diện chủ sở hữu tốt hơn và quan trọng
là hạn chế các DN nhà nước trong việc đầu tư ra ngoài ngành.
Không chỉ tạo thuận lợi
cho DN khi gia nhập thị trường và hoạt động, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) còn được
giới chuyên môn nhận xét là “làm cho việc tổ chức lại và rút khỏi thị trường
của DN đơn giản và dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn, tạo cho những người kinh doanh
không may mắn, gặp thất bại thì có thể rút khỏi thị trường một cách thực sự,
đảm bảo cho môi trường kinh doanh minh bạch và chất lượng hơn”.
Còn nhiều “mạng nhện”
cần “gỡ”
Ghi nhận những điểm đột
phá của Dự thảo Luật DN (sửa đổi) dự kiến sẽ đem lại cho hoạt động kinh doanh
trong tương lai gần, song nghi ngại vẫn được đặt ra trước những vấn đề “chằng
chịt” mà Dự thảo Luật chưa “gỡ” được, thậm chí còn “né”.
Ông Đậu Anh Tuấn -
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nghi ngờ “hình
như Luật đang “né” vấn đề hậu kiểm vì khó?”, trong khi thực trạng DN “có sinh
nhưng bất tử”, DN “ma” tung hoành đang phản ánh một lỗ hổng quản lý bởi công
tác hậu kiểm đối với các DN hiện rất yếu.
Còn ông Nguyễn Văn Tài -
Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - chưa yên tâm vì nhận thấy “ Dự thảo Luật DN
(sửa đổi) mới chủ yếu giải quyết được những vấn đề trong thủ tục đăng ký kinh
doanh và quản trị DN, vốn chỉ là một phần của cả quá trình hoạt động kinh doanh
của nền kinh tế.
Hơn thế nữa, ông Vũ Văn
Ngọc (Đại học Kinh tế quốc dân) vẫn lăn tăn khi Dự thảo Luật “vẫn chỉ
giải quyết các vấn đề của 24 năm trước (khi chuyển sang nền kinh tế thị trường)
là khuyến khích thành lập DN, thay vì giải quyết vấn đề hiện nay là duy trì và
phát triển DN”.
Phân tích các qui định
của Dự thảo Luật, ông Vũ Văn Ngọc nhận thấy còn thiếu những qui định then chốt
trong vấn đề quản trị DN, trao quyền phái sinh giữa công ty cho cổ đông, hợp
đồng giữa công ty với bên ngoài... “Nếu với những qui định về thành lập này thì
ai cũng muốn thành lập, trong khi vấn đề của chúng ta hiện nay là phát triển
bền vững DN. Không thể chỉ có những DN vài năm lên rồi lại xuống, mà phải có
nhiều DN phát triển đến cả trăm năm sau” - vị giảng viên Đại học Kinh tế
quốc dân này mong muốn.
Dự thảo Luật DN (sửa
đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và dự kiến sẽ được thông qua tại
kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Tuy nhiên, để thực sự đem lại được những thay đổi
cho môi trường kinh doanh trước yêu cầu hội nhập, Dự thảo Luật này vẫn đang
phải chờ sự “đổi mới tư duy” của các Bộ, ngành thể hiện qua các qui định trong
suốt hành trình kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
T.Ư:
“Giấy phép “con” được sinh ra trong việc thực
thi luật”
Theo ông, những sửa đổi trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi) sẽ đem lại
những thay đổi như thế nào cho hoạt động của các DN và môi trường kinh doanh ở
nước ta?
- Tôi thấy lần sửa đổi này có mấy điểm có đột phá về thể chế để
giảm rủi ro cả về thương mại và pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DN; giảm
chi phí giao dịch và chi phí tuân thủ pháp luật cho DN; tạo cho DN tận dụng hết
cơ hội và tiềm năng kinh doanh sẵn có của họ. Và trên cơ sở đó, chúng ta nâng
hạng được về xếp hạng môi trường tự do kinh doanh mà hàng năm Ngân hàng Thế
giới đánh giá, ít nhất trong 2 chỉ số: về gia nhập môi trường và bảo vệ nhà đầu
tư.
Còn những điểm nào Dự thảo Luật DN (sửa đổi) chưa làm được?
- Việc chưa làm được có lẽ không nằm trong luật mà trong quá trình
thực thi luật. Nhưng tôi thấy, để những thay đổi trong Dự thảo Luật này phát
huy được đầy đủ hiệu quả, hiệu lực sau khi Luật được ban hành thì cần hợp lý
hóa, đơn giản hóa, giảm đến mức tối đa hệ thống các ngành nghề kinh doanh có
điều kiện, vì hệ thống các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang cản trở hoạt
động của DN và giảm tác động của Luật DN hiện hành, đặc biệt trong thực hiện
quyền tự do kinh doanh của DN. Điều cần làm nữa là phải xác định được những
ngành nghề cấm kinh doanh, đưa ra được các nguyên tắc, chuẩn mực phải tuân thủ
khi ban hành danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh có
điều kiện và phải có cơ chế kiểm soát việc ban hành, thực thi các qui định về
ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế.
Theo ông, những sửa đổi đó có giải quyết được nạn giấy phép “con”
trong hoạt động kinh doanh không?
- Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều loại giấy phép “con” được
“sinh” ra trong việc thực thi, áp dụng các qui định của Luật, vì thế loại bỏ
được giấy phép “con” hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính những người áp
dụng pháp luật và cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Trân
trọng cảm ơn ông!
|