Giảm tải việc tống đạt
Theo thống kê, hiện nay Tòa án nhân
dân (TAND) TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã thụ lý giải quyết mỗi năm hơn
20.000 vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động… Còn để
thực thi các bản án của tòa, các cơ quan thi hành án tại TP Hà Nội mỗi năm phải
thụ lý giải quyết hơn 30.000 việc.
Do vậy, nhu cầu tống đạt các văn
bản, giấy tờ liên quan đến tố tụng theo yêu cầu của Tòa án và tống đạt các văn
bản, giấy tờ của Cơ quan THADS là rất lớn. Hàng năm, riêng TAND TP Hà Nội phải
chi từ 600 - 800 triệu đồng để chuyển văn bản cần tống đạt qua bưu điện. Tuy
nhiên, nhân viên bưu điện không được đào tạo về pháp luật, không có thẩm quyền
và không chịu trách nhiệm về việc tống đạt nên họ chỉ thuần túy làm việc chuyển
văn bản đi. Dẫn đến, trong thực tế, không ít vụ án gặp vướng khi đưa ra xét xử
được vì đương sự không nhận được văn bản tống đạt đúng trình tự, thủ tục và
thời hạn quy định. Đây được xem là các vi phạm tố tụng.
Về lượng việc cần thi hành án, số
việc thụ lý mới năm 2010 là 34.320 việc, năm 2011 là 37.820 việc, năm 2012 là
31.763 và trung bình mỗi chấp hành viên các cơ quan THADS tại Hà Nội phải tổ
chức thi hành trên 170 việc/năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là hàng năm tuy ngân
sách tăng, biên chế cho cơ quan THADS đều tăng nhưng mức tăng cũng không “đuổi”
kịp số lượng công việc gia tăng hàng năm, dẫn đến lượng án tồn đọng
chuyển sang năm sau ngày càng nhiều.
Thừa phát lại lập vi bằng,
tống đạt, thi hành án
Chính vì vậy, sau khi việc thí điểm
hoạt động thừa phát lại (TPL) ở TP HCM đem lại kết quả khả quan, Hà Nội tiếp
tục được chọn làm thí điểm với 5 Văn phòng TPL được thành lập, nhằm “giảm tải”
phần nào cho cơ quan thi hành án. Tuy các văn phòng thừa TPL Hà Nội đã đi vào
hoạt động được nửa năm, nhưng TPL là ai, được làm những việc gì… vẫn là điều lạ
lẫm với đa số người dân.
Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì
hoạt động của TPL thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, TPL là người được Nhà nước bổ
nhiệm để làm một số công việc về THADS, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các
công việc khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể, TPL được làm các công việc
sau: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan THADS; lập vi
bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án
theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định
của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (TPL không tổ chức thi hành án các bản án,
quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành
án).
Theo đó, vi bằng là văn bản do TPL
lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các
quan hệ pháp lý khác. TPL được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa
bàn tỉnh, thành nơi đặt văn phòng TPL. Khi lập vi bằng, TPL không chỉ lập trên
văn bản, giấy tờ mà còn thiết lập hồ sơ, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình nhằm
phản ánh, ghi nhận các sự kiện, hành vi. Vi bằng chỉ được coi là hợp lệ khi
được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Còn tống đạt là việc thông báo,
giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan THADS theo quy định của pháp luật.
Văn phòng TPL được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan
THADS các cấp trên địa bàn tỉnh, thành nơi đặt văn phòng TPL, bao gồm: Giấy
báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết
định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi
hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan THADS. Trong trường hợp cần
thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan THADS, văn phòng TPL có thể thỏa
thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.
Ngoài ra, TPL còn xác minh điều
kiện và tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Khi trực tiếp xác minh
điều kiện và tổ chức thi hành án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
phải thực hiện yêu cầu của TPL và trong trường hợp cần thiết, TPL có quyền mời
cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ nội dung cần xác minh.
Vi bằng có giá trị thế nào?
Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP
ngày 13-7-2009 của Chính phủ quy định người được thi hành án có quyền tự mình
hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Còn Luật Thi hành
án Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã gắn trách nhiệm của người được
thi hành án trong việc cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của người phải
thi hành án trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu. Tuy nhiên, hầu hết người
được thi hành án gặp khó khăn vì không biết phải đến cơ quan, tổ chức nào, gặp
ai để yêu cầu cung cấp thông tin. Ngay cả khi người được thi hành án tìm đúng
địa chỉ để yêu cầu cung cấp thông tin thì không ít trường hợp người dân cũng
đành bó tay khi gặp các cơ quan, tổ chức không thiện chí.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên
tắc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh tế, lao động... là các đương sự có
quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của
mình là có căn cứ hợp pháp. Như vậy, chứng cứ có vai trò rất quan trọng đối với
vụ án, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, pháp luật hiện
hành lại chưa có một cơ chế hữu hiệu, cụ thể để cá nhân, tổ chức thu thập, xác
lập được các chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình khiến việc thu thập và xuất
trình chứng cứ rất khó khăn. Do đó, sự ra đời của TPL sẽ giúp người dân khắc
phục được những bất cập này.
Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng văn
phòng TPL Ba Đình cho rằng, việc lập vi bằng của TPL là cơ chế duy nhất và hữu
hiệu phục vụ cho việc công dân có thể tạo lập ra các chứng cứ để bảo vệ
quyền lợi hợp pháp của mình, ngăn chặn trước các hành vi xâm phạm quyền lợi đó.
TPL sẽ ghi nhận, mô tả lại hành vi, sự kiện mà mình chứng kiến, chứ không ghi
nhận hành vi, sự kiện không trực tiếp chứng kiến hoặc chỉ thông qua lời kể của
người khác. Các vi bằng sau khi được đăng ký tại Sở Tư pháp sẽ có giá trị như
chứng cứ, Tòa án sẽ căn cứ vào vi bằng để giải quyết vụ việc mà không phải mời
TPL đã lập vi bằng lên để đối chất.
Có rất nhiều tình huống khi cần ghi
lại chứng cứ người dân có thể nhờ đến sự chứng kiến của TPL như lập vi bằng
trước khi cho thuê nhà để tránh cãi cọ sau này do tài sản bị hư hỏng; ghi nhận
việc chủ thầu thi công chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền lợi; ghi nhận sự lấn chiếm
của nhà hàng xóm sang đất nhà mình; ghi nhận sự bàn giao nhà chung cư có các
trang thiết bị không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng… Thuận tiện hơn cho
người dân để yêu cầu thi hành án, khởi kiện các tranh chấp dân sự, nhưng việc
lập vi bằng của TPL lại có ý kiến cho rằng có sự “thiếu rõ ràng” với hoạt động
công chứng, hay nên “nhờ” TPL hoặc luật sư làm chứng?
(còn nữa)
|