Xin dẫn một vụ việc đã được TAND
TP.HCM giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 20/8/2014 làm ví dụ phân
tích. Ông Quan ký hợp đồng (HĐ) đặt cọc mua bán nhà đất với vợ chồng ông Hùng,
bà Liễu với giá là 7.500.000.000đ. Ông Quan đã đặt cọc số tiền 5.000.000.000đ
và bà Liễu, ông Hùng đã giao cho ông Quan toàn bộ bản chính giấy tờ của căn
nhà.
Sau đó, ông Quan khởi kiện yêu cầu
Tòa án hủy HĐ và Tòa án đã hủy HĐ. Câu hỏi đặt ra là trong những hoàn cảnh như
ông Quan, ông Hùng, bà Liễu, người nhận giấy tờ nhà đất có trách nhiệm hoàn trả
giấy tờ nhà đất đã nhận từ bên kia không? Bộ luật Dân sự (BLDS) và Dự thảo sửa
đổi BLDS đều có quy định không thuyết phục về chủ đề này nên cần có hướng hoàn
thiện.
Bất cập của Bộ luật Dân sự hiện
hành
Theo Khoản 2 Điều 137 BLDS hiện
hành: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền,
nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu
thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã
nhận”. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 425 BLDS hiện hành quy định: “Khi HĐ bị huỷ bỏ
thì HĐ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho
nhau tài sản đã nhận”.
Như vậy, hệ quả của HĐ vô hiệu (HĐ
là một dạng giao dịch dân sự) và hệ quả của hủy bỏ HĐ rất giống nhau là HĐ
không có giá trị từ thời điểm được hình thành. Tuy nhiên, khi quy định về hệ
quả từ việc không có giá trị, BLDS lại quy định khác nhau: Đối với HĐ vô hiệu,
các bên “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, còn đối với hủy bỏ HĐ, các bên
“hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”.
Thực chất, “tài sản đã nhận” và
“những gì đã nhận” là hai vấn đề khác nhau. Để hiểu rõ hơn, chúng ta quan tâm
tới vấn đề các bên đã giao cho nhau giấy tờ sở hữu nhà như trong vụ việc nêu
trên. Trong Quyết định số 16/2011, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã khẳng định:
“Pháp luật cũng không xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng
nhận quyền sở hữu nhà ở là loại giấy tờ có giá nên theo quy định tại Điều 163
BLDS thì các loại giấy tờ trên không phải là tài sản”.
Sau đó, Tòa Dân sự TANDTC cũng theo
hướng này trong Quyết định số 534/2011 khi khẳng định: “Pháp luật cũng không
xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại giấy tờ có giá nên theo quy
định tại Điều 163 BLDS thì các loại giấy tờ trên không phải là tài sản”. (Về vụ
việc này, xem Đỗ Văn Đại, Luật Nghĩa vụ dân sự và bảo đảm nghĩa vụ dân sự Việt
Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia 2014, xuất bản lần
thứ hai, Bản án số 159-162).
Như vậy, với thực trạng trên, “hoàn
trả cho nhau những gì đã nhận” bao gồm hoàn trả cả giấy tờ nhà, đất.
Ngược lại, “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận” sẽ không bao gồm hoàn trả những
giấy tờ trên vì nhà ở và quyền sử dụng đất là tài sản, còn giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không là tài sản theo
hướng dẫn nêu trên của TANDTC.
Theo hướng này, nếu HĐ giữa ông
Quan, ông Hùng và bà Liễu vô hiệu thì ông Quan phải hoàn trả cho ông Hùng, bà
Liễu bản chính giấy tờ của căn nhà vì Điều 137 BLDS quy định các bên phải “hoàn
trả cho nhau những gì đã nhận”, trong khi đó ông Quan đã nhận của ông Hùng, bà
Liễu giấy tờ nhà (thuộc khái niệm “những gì đã nhận”).
Tuy nhiên, khi HĐ bị hủy bỏ như Tòa
án đã xác định trong vụ việc trên, BLDS chỉ quy định các bên “hoàn trả cho nhau
tài sản đã nhận”, trong khi đó giấy tờ nhà không là tài sản nên ông Quan không
phải hoàn trả theo quy định của Điều 425 BLDS.
Trong vụ việc trên, thực chất Tòa án
cấp sơ thẩm đã không tuyên buộc ông Quan trả giấy tờ nhà cho ông Hùng và bà
Liễu. Hướng giải quyết của Tòa sơ thẩm là phù hợp với quy định của Điều 425
BLDS mà chúng ta đã thấy ở trên. Tuy nhiên, hướng giải quyết này có bất cập vì
nếu ông Quan không trả lại giấy tờ nhà cho ông Hùng, bà Liễu thì rất bất công
cho hai người này và gây khó khăn cho họ trong việc lưu thông nhà đất thuộc
quyền sở hữu của họ.
Có lẽ vì lý do này mà Chánh án TAND
TP.HCM đã kháng nghị và được Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM chấp nhận với nhận
định “TAND huyện Bình Chánh hủy hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, buộc bà Liễu, ông
Hùng phải trả lại cho ông Quan số tiền đã nhận nhưng không buộc ông Quan phải
trả lại bà Liễu, ông Hùng các giấy tờ nhà đất đã nhận là trái với quy định tại
Khoản 3 Điều 425 BLDS năm 2005”.
Ở đây, Ủy ban Thẩm phán đã phải can
thiệp theo hướng buộc ông Quan trả giấy tờ nhà cho ông Hùng, bà Liễu, nhưng cơ
sở để Tòa án can thiệp theo hướng này là không thuyết phục. Bởi lẽ, Khoản 3
Điều 425 BLDS năm 2005 mà Ủy ban Thẩm phán viện dẫn chỉ yêu cầu hoàn trả: “Tài
sản đã nhận”, trong khi đó giấy tờ nhà không là tài sản theo TANDTC.
Phần trên đã cho thấy bất cập của
BLDS là không có sự thống nhất trong quy định đối với những hoàn cảnh tương tự
và Điều 425 BLDS rất bất cập khi chỉ quy định hoàn trả tài sản đã nhận. Chính
bất cập này đã kéo theo bất cập trong thực tiễn: Tòa sơ thẩm làm đúng quy định
thì lại bất công cho người đã giao giấy tờ, còn cấp giám đốc thẩm loại bỏ bất
công bằng cách buộc bên nhận giấy tờ hoàn trả thì lại trái quy định. Bất cập
như vừa nêu cần được cải thiện khi sửa đổi BLDS. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Dự
thảo, chúng ta thấy có sự thay đổi về đối tượng hoàn trả nhưng sự thay đổi này
càng làm cho pháp luật bất cập hơn và chúng ta cần có hướng hoàn thiện.
Bất cập của Dự thảo và đề xuất
hoàn thiện
Dự thảo không có sự thay đổi về
Khoản 3 Điều 425 nêu trên vì Khoản 2 Điều 452 Dự thảo quy định: “Khi HĐ bị huỷ
bỏ thì HĐ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho
nhau tài sản đã nhận”. Ngược lại, có sự thay đổi về quy định của Điều 137 nêu
trên.
Cụ thể, nội dung Điều 137 đã được
sửa lại tại Điều 147 Dự thảo thành “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát
sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm
giao dịch dân sự được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi
phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”. Ở đây, cụm từ
“hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” được chuyển thành “hoàn trả cho nhau tài
sản đã nhận” khi HĐ vô hiệu.
Hướng của Dự thảo có ưu điểm là
thống nhất nội dung quy định khi HĐ bị vô hiệu và khi HĐ bị hủy bỏ. Tuy nhiên,
Dự thảo lại có nhược điểm là sẽ tạo ra thêm những bất cập. Ở đây, Dự thảo đã
thu hẹp lại đối tượng phải hoàn trả: BLDS theo hướng hoàn trả “những gì đã
nhận” trong khi đó “những gì đã nhận” có thể là tài sản và những thứ không là
tài sản.
Dự thảo sẽ tạo ra nhiều bất cập hơn
so với BLDS vì BLDS đã bất cập khi quy định như trên cho trường hợp hủy bỏ HĐ
và Dự thảo lại mở rộng sự bất cập này cho cả trường hợp HĐ vô hiệu. Với hướng
của Dự thảo, khi HĐ vô hiệu cũng như bị hủy bỏ, ông Quan không phải trả giấy tờ
nhà vì như đã thấy, giấy tờ nhà không được coi là tài sản, trong khi đó Dự thảo
chỉ quy định hoàn trả cho nhau “tài sản đã nhận”. Nói cách khác, Dự thảo không
những không khắc phục được hạn chế lớn nêu trên của BLDS hiện hành mà còn tăng
thêm, mở rộng thêm bất cập và đây là điều rất đáng tiếc.
Khi giao dịch vô hiệu hay bị hủy bỏ
thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Việc khôi phục này buộc các bên phải
hoàn trả cho nhau, nhưng đối tượng hoàn trả chưa có sự thống nhất trong BLDS và
Dự thảo chỉ theo hướng hoàn trả “tài sản đã nhận” mà không quan tâm tới những
thứ không là tài sản đã được các bên giao nhận.
Theo chúng tôi, nên sửa hai quy định
nêu trên trong Dự thảo thành “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” (tức thay cụm
từ này vào vị trí của cụm từ “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”). Cụm từ này
bao quát mọi đối tượng được giao nhận và cũng là hướng được ghi nhận ở nước
ngoài. Để minh họa, xin dẫn Điều 4:115 Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng với
nội dung: “Khi HĐ bị vô hiệu, mỗi bên có quyền yêu cầu hoàn trả những gì họ đã
cung cấp khi thực hiện HĐ”. Ở đây, đối tượng phải hoàn trả là “những gì” các
bên cung cấp cho nhau chứ không phải là “tài sản” mà các bên cung cấp cho nhau
như Dự thảo của chúng ta.
Thay lời kết: BLDS hiện hành có bất
cập khi quy định không thống nhất về đối tượng hoàn trả khi HĐ vô hiệu và bị
hủy bỏ. Việc BLDS chỉ quy định các bên “hoàn trả cho nhau tài sản” đã nhận đã
tạo ra bất cập trong thực tiễn khi hủy bỏ HĐ. Dự thảo không những không khắc
phục được bất cập này mà còn làm cho bất cập này phát sinh cho cả trường hợp HĐ
vô hiệu. Kinh nghiệm cho thấy sẽ là thuyết phục khi Dự thảo quy định theo hướng
các bên “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” khi HĐ vô hiệu cũng như bị hủy bỏ.
PGS.TS. Đỗ Văn Đại
|