Theo báo cáo
từ Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, tính
đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn
5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ
38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014).
Tuy nhiên, kết
quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, chênh lệch
giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền
núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo,
xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn
còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm
gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu
số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Bên cạnh đó,
chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện, bao trùm mọi mặt đời sống của người
nghèo, dân tộc thiểu số nhưng còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả
chưa cao.
Có một thực tế
là việc phát huy các nguồn lực giảm nghèo vẫn chưa khai thác, huy động được
nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người
nghèo; quan điểm trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại không
ít ở một số địa phương và người nghèo; mặt khác, trong bối cảnh kinh tế suy
thoái, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, hạn chế đến việc huy động nguồn lực
hỗ trợ cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp.
Trước tình hình
trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 đã
đề ra các nhiệm vụ cụ thể, sớm trình ban hành các văn bản sửa đổi, tích hợp
chính sách giảm nghèo ngay trong quý I/2015 với các nguyên tắc: Tiếp tục ưu
tiên cả chính sách và nguồn lực cho vùng có tỷ lệ nghèo cao, khu vực miền núi,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ hỗ trợ những việc người dân không có khả
năng làm, khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường
chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách
hỗ trợ cho không; xác định thứ tự ưu tiên chính sách: Người/hộ nghèo dân tộc
thiểu số; người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, người/hộ mới thoát nghèo.
Chính sách ban
hành cũng sẽ phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, ưu tiên việc tích hợp các
chính sách hiện hành, từng bước nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách
mới, mạnh dạn đề xuất bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp.
Đặc biệt, các
mục tiêu cụ thể cũng được đề ra như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ
1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên
địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm, tăng khả năng tiếp cận
các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: dịch vụ y tế, giáo
dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội, thu nhập của
nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
|