Hội nghị có sự tham dự của bà Vũ Thị Thanh Tú,
Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Sở Tư pháp Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám
đốc Trung tâm đào tạo pháp luật TP Hà Nội và 224 tổ trưởng tổ hoà giải trên địa
bàn 11 phường thuộc quận Thanh Xuân.
Trình bày tại Hội nghị với vai trò báo cáo viên, bà Nguyễn Thị
Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo pháp luật TP Hà Nội cho biết: Hoà giải ở
cơ sở rất cần sự linh hoạt. Bà Hạnh nêu ví dụ như hoà giải mâu thuẫn ở các gia
đình không phải lúc nào cũng nên hoà giải theo hướng tác hợp mà nếu nhận thấy khi
duy trì cuộc sống gia đình sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ, tính mạng, tâm lý
của một bên thì cần hướng dẫn hai bên li hôn. Bà Hạnh cũng lưu ý các hoà giải
viên về phạm vi của hoà giải. Có những vụ việc vi phạm pháp luật bị khởi tố
hình sự hoặc đã bị xử phạt hành chính thì không thuộc phạm vi của hoà giải.
Trong những năm qua, hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã khẳng
định vai trò tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Theo thông
tin từ Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội thì tổng số tổ
hoà giải trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay là 5.750 tổ với 37.900 hoà giải viên.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, số vụ việc hoà giải thành đạt tỷ lệ 82%.
Có được kết quả tích cực kể trên cho thấy hoà giải ở cơ sở ngày càng đi sâu và
thể hiện rõ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Hội đồng PHPBGDPL TP Hà
Nội nhận định: Một số quận, huyện đã tiến hành củng cố, kiện toàn tổ hoà giải ở
cơ sở và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng công tác hoà giải cho cán bộ làm
công tác hoà giải ở cơ sở như: Long Biên, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh
Xuân, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mỹ Đức, Từ Liêm, Gia Lâm…
|