Chiều 6/5, Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây
dựng và các bộ, ngành liên quan tổng kết quá trình triển khai việc cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với
đất (GCNQSDĐ) tại các địa phương trong cả nước.
Theo kết quả tổng hợp từ
các địa phương, đến nay cả nước đã cấp 41,6 triệu GCN với tổng diện tích 22,9
triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp GCN, trong đó
5 loại đất chính cả nước đã cấp được 40,7 triệu GCN với tổng diện tích 22,3
triệu ha, đạt 94,6% diện tích sử dụng cần cấp và đạt 94,6% số các trường hợp sử
dụng đất đủ điều kiện cấp GCN.
Trong 2 năm thực hiện
Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 30/2012/QH 13 của
Quốc hội, cả nước đã cấp được 9 triệu GCN lần đầu, riêng năm 2013, con số này
đạt 7,2 triệu GCN với diện tích 4,1 triệu ha, nhiều hơn 3,7 lần so với năm
2012. Đến cuối năm, tất cả 63 địa phương đều hoàn thành cơ bản (trên 85% tổng
diện tích các loại đất được cấp GCN)
Cùng với việc tập trung
hoàn thành cấp GCN lần đầu, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã được
triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Đến nay
một số tỉnh đã cơ bản hoàn thành, đưa vào phục vụ hiệu quả trong công tác quản
lý đất đai của địa phương, điển hình như Đồng Nai, An Giang, TPHCM...
Theo Phó Chủ tịch UBND
TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, sau một thời gian chậm trễ, tình hình cấp GCN
của Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, đạt 85,7% diện tích, diện tích kê khai
đủ điều kiện cấp GCN lần đầu đạt trên 99%, thực hiện nghiêm túc yêu cầu chỉ đạo
của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các ý kiến
trong cuộc họp cũng báo cáo một số vấn đề nổi lên trong việc triển khai chỉ
tiêu theo yêu cầu Quốc hội, Chính phủ, đó là chậm trễ đối với việc cấp GCN một
số loại đất ở một số địa phương như đất chuyên dùng, đất sản xuất nông nghiệp,
đất ở nông thôn, đất lâm nghiệp..
Ở một số địa phương do
thiếu kinh phí nên chưa lập được bản đồ địa chính dẫn đến thiếu cơ sở triển
khai chính xác việc cấp GCN đối với diện tích thực tế của người dân. Một số địa
phương khác sau khi cấp GCN đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông
thôn mới gắn liền với quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa dẫn đến thay
đổi cơ bản so với các GCN đã cấp. Tình trạng tồn đọng GCN đã ký nhưng người sử
dụng đất chưa đến nhận ở một số nơi vẫn còn nhiều (khoảng 300.000 GCN).
Tại cuộc họp, Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận việc các cơ quan, địa phương đã nghiêm túc
thực hiện đạt mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao về hoàn thành cơ bản việc
cấp GCN trên toàn quốc. Đồng thời, cùng các đại biểu tiếp tục rà soát, xem xét
các tồn tại, vướng mắc còn lại, tìm ra nguyên nhân để xử lý, đảm bảo chủ trương
cấp GCN đất đai đạt kết quả toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Để đạt được điều đó, Phó
Thủ tướng giao các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nhiệm vụ đo, lập, số
hóa bản đồ địa chính, đưa ra danh sách những địa phương còn tồn cao một số loại
đất chưa cấp GCN để yêu cầu tiến độ cụ thể, đó là 15 tỉnh tồn đất ở đô thị, 12 tỉnh
đất ở nông thôn, 6 tỉnh đất chuyên dùng...
Chính phủ tiếp tục cử
các đoàn kiểm tra những điểm vướng như đất đối với di dân tự do, nhà ở ở các dự
án đô thị... cho phép xã hội hóa các dịch vụ có thể, nhất là mục tiêu số hóa,
lập bản đồ địa chính, cho ý kiến cân đối nguồn vốn thực hiện.
Thời gian tới, các cơ
quan sẽ xây dựng mới dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để tiếp
tục đôn đốc thực hiện chủ trương cấp GCN, lập bản đồ địa chính phục vụ công tác
quản lý đất đai trên toàn quốc./.
|