Trao đổi
với PV báo PL&XH xung quanh câu chuyện làm thế nào để Hội đồng bầu cử quốc
gia đảm bảo được tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử cũng như phát huy
tốt vai trò của mình, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp,
Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc chọn ai vào vị trí Chủ tịch Hội đồng bầu cử
quốc gia cần có sự nghiên cứu kỹ.
Thưa ông, tại sao Hiến pháp mới phải quy định thành lập Hội đồng bầu cử quốc
gia trong khi hoạt động của Hội đồng bầu cử Trung ương thời gian qua đã được Quốc
hội, Chính phủ đánh giá là hiệu quả?
Trong những năm qua, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của nước
ta đều diễn ra thành công. Tuy nhiên, do mô hình tổ chức bầu cử ở nước ta hiện
nay, các thành viên của Hội đồng bầu cử Trung ương, Ủy ban bầu cử các cấp đều
hoạt động kiêm nhiệm, nhiều thành viên lại chính là các ứng viên của các cuộc bầu
cử đó, nên không tránh khỏi dư luận nghi ngại. Cũng do các tổ chức bầu cử này
chỉ hoạt động kiêm nhiệm, khi đến kỳ bầu cử, nên chưa có điều kiện để tuyên
truyền phổ biến giáo dục công dân về ý thức bầu cử và pháp luật bầu cử một cách
chuyên nghiệp. Một bất cập nữa là dù đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu
cử Quốc hội và HĐND, tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử Trung ương còn có
nhiều hạn chế vì Hội đồng bầu cử chưa phải là một cơ quan hiến định độc lập với
các cơ quan khác.
Do đó, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã đề nghị thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia,
hoạt động độc lập. Theo tôi, việc hiến định Hội đồng bầu cử quốc gia là một bước
quan trọng góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo, tổ chức bầu cử đại
biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Bầu cử càng được tổ chức dân chủ, minh bạch và chặt
chẽ thì chất lượng đạt được càng cao.
Nhiều ý
kiến cho rằng, để khách quan trong công tác bầu cử thì nếu đã là thành viên hoặc
Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, người đó không được giữ chức vụ khác trong
Quốc hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nước ta chỉ có một đảng lãnh đạo thống nhất nên chắc chắn việc thành lập Hội đồng
bầu cử quốc gia không khó. Tuy nhiên chọn ai vào các vị trí Chủ tịch Hội đồng bầu
cử quốc gia cần có sự nghiên cứu kỹ vì hầu hết các lãnh đạo chủ chốt đều ra ứng
cử đại biểu Quốc hội.
Hiện có một số ý kiến cho rằng nên chọn một người sắp nghỉ hưu, tức là người
nhiệm kỳ trước từng làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử, nhiệm kỳ sau không làm nữa ra
làm vị trí này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đề xuất kéo dài tuổi nghỉ
hưu đối với người đảm đương trọng trách này (có thể là 70 tuổi) so với mặt bằng
chung. Một cách làm khác cũng đã được đề cập đến là đồng chí nào được tín nhiệm
bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thì đừng tham gia đại biểu Quốc hội nữa,
chỉ giữ lại vai trò vị trí quan trọng của Đảng thôi. Rồi qua tham khảo một số
quốc gia trên thế giới thì thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia còn được lấy từ
Liên đoàn Luật sư, đại diện của các tổ chức xã hội hoặc những lãnh đạo cao cấp
có uy tín, có năng lực, đã về hưu…
Tuy nhiên, theo tôi những đề xuất trên đều cần tham khảo, xem xét kỹ, nhất là 2
phương án đầu tiên vì cách lựa chọn ấy phù hợp với xu thế chung của nhiều quốc
gia trên thế giới.
Có một thực tế xảy ra trong thời gian qua là người trúng cử đại biểu Quốc hội,
HĐND nhưng lại có đơn thư khiếu kiện, trong khi việc xử lý chưa tức thời. Hội đồng
bầu cử quốc gia cần có giải pháp như thế nào để khắc phục hạn chế này?
Hội đồng bầu cử Trung ương lâu nay chỉ hoạt động lâm thời (khi diễn ra bầu cử).
Việc có đơn thư khiếu kiện đối với một số người trúng cử đại biểu Quốc hội,
HĐND theo đó sẽ để Quốc hội khóa mới xem xét, xử lý.
Tuy nhiên, khi đã có Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động chuyên trách thường
xuyên thì sẽ giao cho cơ quan này vào cuộc xử lý ngay. Ngoài công nhận kết quả
bầu cử, tư cách đại biểu một cách khách quan, độc lập, Hội đồng bầu cử quốc gia
còn là cơ quan nghiên cứu đổi mới công tác bầu cử, sắp xếp đơn vị bầu cử một
cách khoa học, duy trì mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu trúng cử; tuyên truyền,
phổ biến để mọi người hiểu vai trò cử tri, người dân trong công tác bầu cử như
tôi đã đề cập ở trên…
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
1.Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do
Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và
hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp
2.Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng
thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định
|
|