Ý tưởng hay để bảo vệ công lý
Báo cáo tại phiên họp, ông Dương
Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng Tổ
biên tập Dự án BLDS sửa đổi đã nêu bật sự cần thiết sửa đổi BLDS năm 2005, nhất
là trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 ghi nhận rất nhiều quyền tài sản và nhân
thân của công dân.
Việc sửa đổi lần này nhằm xây dựng
BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội
được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách
nhiệm giữa các bên tham gia; bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức
trong giao lưu dân sự. Với mục đích trên, Dự thảo BLDS sửa đổi đã có nhiều quy
định cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là
Dự thảo quy định mọi quyền dân sự được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật này,
các luật khác có liên quan đều được Nhà nước tôn trọng và được pháp luật bảo
vệ. Ngoài ra, trên tinh thần của khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 rằng:
“TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo
vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân” và để bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân
về dân sự, Dự thảo cũng bổ sung quy định: “Thẩm phán không được từ chối giải
quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Đa số ý kiến đồng ý với quy định này
của Dự thảo Luật vì nó phù hợp với khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013. Nhưng
theo ông Huệ, cũng có ý kiến cho rằng, căn cứ quy định “thẩm phán, hội thẩm xét
xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp thì cần
cân nhắc lại quy định này.
Các thành viên Hội đồng rất hoan
nghênh dự kiến bổ sung nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự và nhận định
đây là ý tưởng hay, đúng, phù hợp Hiến pháp, mở rộng quyền dân sự cho công dân
nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, theo chuyên gia cao cấp của Văn phòng Quốc hội Trần
Ngọc Đường, tư tưởng là tốt nhưng Dự thảo BLDS sửa đổi thể hiện chưa “tới” và
hệ thống pháp luật của nước ta hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đầy đủ
để bảo đảm hiệu quả nguyên tắc đó.
Đồng tình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, tư tưởng “thẩm phán bảo vệ
công lý” phổ biến ở nhiều nước trên thế giới song không hợp lý với điều kiện
hiện nay của Việt Nam khi trách nhiệm và quyền lợi của thẩm phán thực sự chưa
đi liền với nhau. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường gợi ý: Nên chăng quy
định “TAND và các cơ quan có thẩm quyền khác không được từ chối giải quyết vụ,
việc dân sự…”.
“Thiếu vắng” sở hữu tư nhân
Cũng theo ông Huệ, Dự thảo sửa đổi
sẽ chỉ quy định 3 hình thức sở hữu trong BLDS gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng
và sở hữu chung. Lý giải về “thu gọn” các hình thức sở hữu so với BLDS năm
2005, ông Huệ nhấn mạnh là để phù hợp với chế độ sở hữu, hình thức sở hữu trong
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cũng để phù hợp với nguyên tắc xác
định hình thức sở hữu là cần phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực
hiện, các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản,
chứ không căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện
hành.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc
quy định hình thức “sở hữu toàn dân” như trong Dự thảo BLDS sửa đổi là không
hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu quan trọng về chủ thể của quan hệ dân sự
phải được xác định cụ thể, có năng lực xác lập quyền, thực hiện nghĩa vụ và tự
chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì thế, ý kiến này đề nghị xác định 3
hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Vấn đề trên nhận được sự quan tâm
của nhiều thành viên Hội đồng. Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
băn khoăn: “Hiến pháp năm 2013 quy định rõ là sở hữu toàn dân rồi, sao có thể
quy định sở hữu nhà nước”?
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nguyễn Sỹ Dũng thì kiến nghị trong hình thức sở hữu cần xác định rõ đâu là tài
sản nhà nước trung ương, đâu là tài sản nhà nước địa phương và khi tham gia vào
các quan hệ dân sự, Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tài sản của mình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội Nguyễn Văn Phúc lại phân tích, khác với BLDS hiện hành và các luật
khác đang quy định hình thức sở hữu nhà nước, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định
hình thức sở hữu toàn dân. Từ đó, ông Phúc đề xuất Dự thảo BLDS sửa đổi phải
làm rõ được những loại tài sản nào thuộc sở hữu toàn dân, như đất đai thì đã
được nêu trong Luật Đất đai, bởi “nếu Bộ luật này không cụ thể được thì không
biết luật nào sẽ quy định”.
Phân tích vị trí, vai trò của BLDS,
bà Vũ Thị Minh Hồng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nêu quan điểm, BLDS chỉ nên
giải quyết hình thức sở hữu chung, sở hữu riêng. “Việc cụ thể hóa sở hữu toàn
dân trong BLDS là khó lắm, sẽ là “chiếc áo” quá rộng nên đòi hỏi phải có luật
riêng về sở hữu toàn dân” – bà Hồng nói.
Tán thành với kiến nghị trên của bà
Hồng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng chỉ nên có hai hình thức sở hữu
chung và sở hữu riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá, Dự thảo BLDS sửa đổi chưa
đề cập đến hình thức sở hữu tư nhân vốn là một điểm mới mà Hiến pháp năm 2013
đã ghi nhận.
|