Từ ngày 1/1/2016, tất cả trẻ em ra đời đều có số định danh cá nhân
Không thay thế giấy tờ do các ngành khác cấp
Hiện nay, mỗi người dân có khoảng 20
loại giấy tờ khác nhau. Mỗi loại giấy tờ này là kết quả “đầu ra” của một
thủ tục hành chính (TTHC) do một ngành thực hiện như giấy tờ hộ tịch
thuộc ngành Tư pháp; hộ chiếu phổ thông, chứng minh nhân dân, hộ khẩu…
thuộc ngành Công an; chứng chỉ, bằng cấp… thuộc ngành Giáo dục và Đào
tạo; bằng lái xe thuộc ngành Giao thông; thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã
hội thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội… Như vậy, với chức
năng, nhiệm vụ của mình thì giấy tờ hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý và cấp
không thể thay thế được các giấy tờ khác của cá nhân do các ngành khác
quản lý.
Tuy nhiên, giấy khai sinh - một trong
những giấy tờ hộ tịch - là giấy tờ có giá trị pháp lý đầu tiên của một
cá nhân, xác định các thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên; giới tính;
ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quan hệ cha, mẹ; nơi sinh.
Vì thế, giải pháp của Đề án 896 (Đề án
tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên
quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020) là xây dựng Dự án Luật Hộ
tịch là đạo luật gốc xác định nội hàm và giá trị của số định danh cá
nhân, quy định việc cấp số định danh cá nhân cho cá nhân khi đăng ký
khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực và cá nhân đã đăng ký khai
sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực.
Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hộ
tịch, lý lịch tư pháp, căn cước, thuế…) được kết nối, chia sẻ với cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư theo nguyên tắc nhất định để phục vụ việc
thực hiện các TTHC có liên quan, bảo đảm tinh thần cải cách TTHC, tạo
thuận lợi cho người dân. Cụ thể, khi thực hiện các TTHC, cá nhân chỉ
cung cấp số định danh cá nhân, không cần xuất trình giấy tờ chứng minh
nhân thân, hạn chế việc sao chụp giấy tờ…
Để bảo đảm lộ trình Đề án 896 và giảm
các loại giấy tờ là đầu ra của các TTHC có liên quan, Cục trưởng Cục Hộ
tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho rằng, Dự
án Luật Hộ tịch cũng như Dự án Luật Căn cước công dân (do Bộ Công an chủ
trì soạn thảo) chỉ quy định các điều khoản “mở” về khả năng tích hợp
giấy tờ hộ tịch, chứng minh nhân dân.
Như vậy, sẽ bảo đảm lộ trình giai đoạn
2015 – 2020 phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện
điện tử là kết quả tích hợp các thông tin trong các giấy tờ trên, tiến
tới mục tiêu giảm thiểu giấy tờ công dân.
Cần sự dũng cảm của cả hệ thống
Tại cuộc họp về Dự án Luật Hộ tịch
diễn ra vào chiều qua – 18/2 do Bộ Tư pháp tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Kim Hồng nêu vấn đề, Dự án Luật cần làm
rõ 20 loại giấy tờ bao gồm những loại nào, do cơ quan có thẩm quyền nào
cấp và loại giấy tờ nào sẽ được giảm thiểu thì mới đáp ứng được yêu cầu
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lý giải cụ thể hơn băn khoăn của ông
Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Lâm
thông tin, Đề án 896 đã thống kê và ghi rõ các loại giấy tờ mà các ngành
đang quản lý và cấp. Khi triển khai thành công Đề án 896, từ ngày
1/1/2016, tất cả trẻ em ra đời đều có số định danh cá nhân nên rất cần
Luật Hộ tịch sớm được ban hành. “Còn để giảm thiểu giấy tờ công dân đòi
hỏi phải có sự dũng cảm của tất cả các ngành bởi giấy tờ không chỉ thuộc
mỗi ngành Tư pháp” – ông Lâm chia sẻ.
Để tiến tới mục tiêu giảm giấy tờ công
dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu Tổ Biên tập lập danh
mục các loại giấy tờ, sơ đồ hóa giấy tờ hộ tịch với các giấy tờ khác do
các ngành khác quản lý và cấp. Ngoài ra, cần phối hợp với Cục Kiểm soát
TTHC tiến hành báo cáo đánh giá tác động về TTHC để qua đó thấy được so
với quy định hiện hành, Dự án Luật Hộ tịch giảm được bao nhiêu TTHC, bao
nhiêu chi phí tuân thủ cho người dân; đồng thời rà soát lại các quy
định của Hiến pháp mới, các văn bản luật có liên quan như Bộ luật Dân
sự, Luật Hôn nhân và Gia đình (cũng đang trong quá trình sửa đổi), Luật
Cư trú, Dự án Luật Căn cước công dân… |