Tòa không được từ chối
yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự
Bộ trưởng Hà Hùng Cường
cho biết, Dự thảo lần này đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu cho rằng cơ quan
chủ trì soạn thảo cần xác định cụ thể hơn các quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh
của Bộ luật; vai trò luật chung của hệ thống luật tư. Dự thảo cũng tập trung
làm rõ quyền của chủ thể trong lựa chọn các phương thức bảo vệ quyền dân sự, trách
nhiệm của Nhà nước, xã hội và các chủ thể khác trong tôn trọng, bảo vệ quyền
dân sự.
Theo đó, Dự thảo dự kiến
chỉnh lý “Chương I: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản” như: Bộ luật này quy
định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân, tài
sản giữa các chủ thể bình đẳng, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm (gọi chung là
quan hệ dân sự); quy định địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân; đại diện; hành
vi pháp lý; thời hạn, thời hiệu; vật quyền, trái quyền, thừa kế…”.
Tại Điều 9 Dự thảo nêu:
“TAND không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có
điều luật để áp dụng”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Trong trường hợp này,
quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Bộ luật, các nguyên tắc cơ bản quy định và
lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết. Và khi tham gia vào quan hệ
dân sự, quyền của tất cả các chủ sở hữu đều được bảo vệ như nhau, không phụ
thuộc vào hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Quy định này đã được nhiều đại
biểu tham gia đồng tình ủng hộ.
Để phù hợp với thực
tiễn, pháp luật có liên quan, thông lệ quốc tế, Dự thảo Bộ luật dự kiến bổ sung
nội dung: “Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về quyền, nghĩa vụ do sáng lập
viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện trong quá trình thành lập,
đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định
khác” vào khoản 1 Điều 89.
Bộ trưởng cho biết: Tiếp
thu ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về căn cứ thành lập, hoạt động,
tổ chức và chấm dứt pháp nhân phi thương mại, khoản 2 Điều 99 Dự thảo chỉnh lý:
Việc thành lập, hoạt động, tổ chức lại và chấm dứt pháp nhân phi thương mại
được thực hiện theo quy định của luật về hội và các luật khác có liên
quan.
Còn về pháp nhân công,
tiếp thu ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi về kỹ thuật pháp lý trong quy định
tại khoản 1 Điều 100 về pháp nhân công cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với
cách chia pháp nhân thành 3 loại: Pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương
mại và pháp nhân công, khoản 1 Điều 100 được chỉnh lý: “Pháp nhân công bao gồm
các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp công lập, tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội; pháp nhân công hoạt động không vì mục
tiêu tìm kiếm lợi nhuận”.
Ngoài ra, cũng cần có
quy định cụ thể để “giải mã” sở hữu toàn dân trong Bộ luật Dân sự (BLDS), cụ
thể Dự thảo BLDS dự kiến bổ sung: Trong Bộ luật này, hình thức sở hữu bao gồm
sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Theo đó, sở hữu toàn dân là sở
hữu đối với tài sản công, gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản,
nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do
Nhà nước đầu tư, quản lý; sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, gồm cá nhân,
pháp nhân; còn sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể. Nói chung, Dự thảo đưa
ra hai phương án: Phương án 1 gồm sở hữu riêng và sở hữu chung; Phương án 2 gồm
sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Mỗi luật đều có vai
trò riêng
Theo đại biểu Trần Du
Lịch, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, pháp nhân gồm pháp nhân công và pháp nhân tư.
Trong đó, pháp nhân công gồm pháp nhân công quyền (các cơ quan công quyền
như UBND các địa phương) và pháp nhân phi công quyền (các đơn vị sự nghiệp).
Còn lại các tổ chức khác là pháp nhân tư (các tổ chức kinh tế…). Ông Trần Du
Lịch cho rằng, xây dựng pháp luật làm sao để tạo được sự ổn định của xã
hội.
Ông Đặng Thuần Phong,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với đại biểu Trần
Du Lịch khi cho rằng các tổ chức xã hội là pháp nhân phi công quyền, chứ không
thể các tổ chức tôn giáo là pháp nhân công quyền được. Có đại biểu lại cho
rằng, chỉ nên có sở hữu chung và riêng; trong Dự thảo này vẫn còn sở hữu toàn
dân nữa thì chưa ổn. Vì “từ cổ chí kim” vẫn chỉ có sở hữu chung và riêng”.
Sau nhiều ý kiến của các
đại biểu, thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho
biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu chỉnh lý Dự thảo cho phù hợp với thực tiễn khách
quan.
Trước ý kiến của đại
biểu cho rằng trong thực tiễn giải quyết vụ, việc thì áp dụng BLDS vì có giá
trị pháp lý cao hơn luật chuyên ngành. Vấn đề này, Thứ trưởng Tụng cho biết:
“BLDS được xem là luật chung, các luật còn lại là luật chuyên ngành. Theo đó,
các luật chuyên ngành mà không điều chỉnh thì BLDS sẽ được sử dụng để giải
quyết sự việc”. Liên quan đến các hợp đồng cụ thể, đặc trưng dân sự; hoặc quy
định về thừa kế thì đều được BLDS điều chỉnh.
Ông Phan Trung Lý, Chủ
nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khẳng định: qua các ý kiến, có nhiều vấn đề cần
bàn, rà soát để làm sao BLDS theo đúng nghĩa là một BLDS với tầm quan trọng của
nó. Tuy nhiên, mỗi luật riêng đều có vai trò của nó. Trong Hiến pháp đã quy
định sở hữu toàn dân thì trong BLDS không thể không quy định là sở hữu toàn
dân, mà chỉ có sở hữu chung và riêng. Ngoài ra, trước nhiều ý kiến của các đại
biểu cho rằng chỉ nên chọn sở hữu riêng và chung, không nên có sở hữu toàn dân,
ông Lý khẳng định: “Đúng dân sự là dân sự, Hiến pháp là Hiến pháp, tuy nhiên
không thể trong Hiến pháp đã quy định mà trong BLDS lại quy định khác được, cụ
thể không thể nói không có sở hữu toàn dân. Nguyên tắc quan trọng là không thể
làm trái Hiến pháp…”.
Sẽ lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự sửa đổi
Đúc kết phiên họp, Phó
Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Sửa đổi, bổ sung BLDS là cần sửa
những cái bất cập, vướng mắc, nhất là những cái mà tòa án gặp khó bởi BLDS là
nền tảng của pháp luật dân sự, tầm quan trọng chỉ xếp sau Hiến pháp.Tất cả các
vấn đề sửa đổi, bổ sung phải nêu rõ lý do để giải trình trước Quốc hội cho rõ
ràng. Hơn nữa, do đây là Bộ luật lớn nên sau khi trình Quốc hội lần 1, sẽ lấy ý
kiến của nhân dân trước khi trình Quốc hội những lần kế tiếp.
|