Hiện nay, việc giải quyết các tranh
chấp thương mại ở Việt Nam chủ yếu được xét xử thông qua hệ thống Tòa
án và Trung tâm trọng tài. Thực tế, hệ thống Tòa án đã trở nên quá
tải, dẫn đến tăng lượng vụ án tồn đọng, không kịp giải quyết, do đó
làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực
tiễn này đặt ra yêu cầu đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp
ngoài Tòa án để giảm tải gánh nặng cho hệ thống Tòa án, qua đó
góp phần lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh thương mại. Một trong
những phương thức phổ biến trên thế giới hiện nay là hòa giải thương
mại.
Tại Việt Nam, hòa giải ở cơ sở nhằm
giải quyết các tranh chấp tại cộng đồng dân cư đã được thể chế hóa
bằng Luật Hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, còn có hoạt động hòa giải trong
tố tụng của Tòa án và Trọng tài thương mại như là một quy trình của
tố tụng.
Tuy nhiên, hoạt động hòa giải
thương mại với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập
thì chưa được công nhận, mặc dù trong thực tế một số tổ chức, doanh
nghiệp đã sử dụng hòa giải để giải quyết các tranh chấp của mình và bước
đầu đã phát huy hiệu quả nhất định.
Do đó, Dự thảo Nghị định quy
định hòa giải thương mại không phải là một phần của quá trình tố tụng
tại Tòa án và tố tụng trọng tài mà là một phương thức giải quyết tranh
chấp độc lập, được tiến hành theo thỏa thuận của các bên và có sự hỗ
trợ của một bên thứ ba (hòa giải viên). Hòa giải viên do các bên thỏa
thuận lựa chọn, phải có vị trí độc lập với các bên và hoàn toàn không
có lợi ích liên quan đến tranh chấp, không đại diện cho quyền lợi của bất
cứ bên nào và không có quyền đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp.
Hiệu lực thi hành của thỏa thuận hòa
giải thành cũng là một trong những vấn đề quan trọng quyết định hiệu
quả của hòa giải thương mại. Dự thảo Nghị định đưa ra phương án
là thỏa thuận hòa giải thành có giá trị như hợp đồng mới và có hợp
đồng ràng buộc đối với các bên. Trường hợp một bên không thực
hiện hoặc có vi phạm thì bên kia có quyền khởi kiện như đối với một
hợp đồng. Nhưng có ý kiến đề xuất phải quy định thỏa thuận hòa giải
thành có giá trị thi hành bắt buộc như bản án hoặc phán quyết của
Trọng tài thương mại. Có điều theo phương án này sẽ phải sửa đổi Bộ luật
Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự.
|