Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 97 quy định
về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong
lĩnh vực thông tin truyền thông. Theo đó, cơ quan, tổ chức và cá nhân khi nộp
hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền
thông phải nộp phí giám định tư pháp theo quy định.
Người yêu cầu giám định là thương binh; thân
nhân liệt sĩ; người bị nhiễm chất độc da cam; người nghèo; người già cô đơn,
không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi, khuyết tật không phải nộp phí giám định tư
pháp.
Về mức thu phí, Thông tư nêu rõ, phí giám định
thiệt hại do trộm cắp cước viễn thông quốc tế là 8 triệu đồng/vụ; phí giám định
chất lượng dịch vụ viễn thông 10,2 triệu đồng/lần đo; giám định cáp thông tin
kim loại và cáp quang có mức phí 5,2 triệu đồng/mẫu; phí giám định
hệ thống ghi cước tổng đài mạng viễn thông công cộng 15,5 triệu đồng/hệ thống;
phí giám định điều kiện đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên
miền quốc tế tại Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/nhà cung cấp; phí giám định tem
bưu chính 1,2 triệu đồng/mẫu…
Cơ quan thu phí gồm Bộ Thông tin và Truyền thông
thu phí giám định tư pháp đối với các trường hợp trưng cầu, yêu cầu giám định
tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông thu phí giám
định tư pháp đối với các trường hợp trưng cầu, yêu cầu giám định tại Sở Thông
tin và Truyền thông.
Phí giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin
truyền thông là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí được trích
95% trên số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang
trải cho các nội dung chi quy định. Số tiền còn lại (5%) cơ quan thu phí nộp
vào ngân sách nhà nước. Thông tư 97 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2014.
|