Nhiều quyết định “trên
mây”
Một ví dụ điển hình về việc chưa đảm bảo được
tính hợp lý của QĐHC là Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển hệ
thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 cách đây chưa lâu. Theo đó, ngành hàng
hải Việt Nam cần khởi công xây dựng 10 cảng biển tổng hợp.
Như vậy, trung bình cứ 300km bờ biển của nước ta
sẽ có một cảng biển tổng hợp. Trong khi các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa
Kỳ, Anh, Pháp…, nhiều nhất là Nhật Bản với gần 30 nghìn kilômét bờ biển (gấp
gần 10 lần Việt Nam) cũng chỉ có 10 cảng biển. Ngoài ra, con số tính toán chỉ
ra Việt Nam cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho việc xây dựng cảng biển. Vậy nguồn
vốn trên lấy ở đâu, giả sử nếu có vốn thì ngành hàng hải sẽ sử dụng nó một cách
hiệu quả hay không?
Hay là việc phê duyệt Dự án xây khách sạn trong
hồ Bảy Mẫu (Hà Nội), cơ quan chức năng đã cho phép nhưng các nhà chuyên môn,
người dân góp ý mới thấy “không ổn”. Vấn đề ở đây là tại sao không lấy ý kiến
trước khi ban hành quyết định nhằm đạt được sự đồng thuận?... Có thể thấy cơ
quan nhà nước rất ít thông tin để biết liệu khi ban hành QĐHC thì có hợp lý hay
không, sẽ mang lại lợi ích gì, hậu quả không mong muốn thế nào, cách khắc phục
ra sao, ngân sách thực hiện lấy từ đâu?
Một quyết định bất hợp lý không kém là quyết
định cho phép xây dựng khu du lịch Vọng Cảnh của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ
ngày 11/10/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 2327/QĐ-UBND quy
hoạch Quần thể lăng tẩm, điện, đàn thời vua chúa, di tích lịch sử cách mạng và
danh thắng nổi tiếng ở phía tây nam TP.Huế (trong đó có đồi Vọng Cảnh) nằm
trong khu đất có diện tích 2.400ha nhằm bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa hiện
có của nó.
Đáng tiếc là ngày 8/11/2004, UBND tỉnh Thừa
Thiên Huế lại ra Quyết định số 18/GP-TTH cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh
xây dựng Dự án khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh nằm trong khu vực kể trên. Điều này
đi ngược lại Quyết định số 2327/QĐ-UBND do chính cơ quan này ban hành! Đặc
biệt, UBND tỉnh cũng chưa tiến hành làm thủ tục trình cơ quan quản lý nhà nước
về văn hóa đã cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng khu du lịch ở đồi
Vọng Cảnh.
Trong bản vẽ thiết kế, Dự án có xây dựng khách
sạn 5 tầng, ở tầng trên cùng cắm cọc cao 12m, tương đương với 3 tầng nhà nữa,
cùng một số công trình phụ trợ khác có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến khu di
tích. Các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, Dự án trái với Quyết định phê
duyệt quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa và môi trường cảnh quan của chính UBND
tỉnh. Người dân thì phản đối bởi nếu Dự án thành hiện thực sẽ phá vỡ cảnh quan
thiên nhiên của tỉnh, che khuất tầm nhìn khi khách sạn mọc lên. Vì vậy, mặc dù
Dự án với tổng vốn đầu tư 4,9 triệu USD đã được động thổ ngày 29/1/2005, song
không trở thành hiện thực.
Hàng loạt hạn chế trong
ban hành quyết định hành chính
Sự bất hợp lý, thiếu nghiêm túc khiến cho tình
trạng QĐHC của các cơ quan quản lý nhà nước bị dân khởi kiện ra Tòa đang ngày
càng nhiều lên. Đơn cử, tại TAND TP.Hà Nội, số án hành chính thụ lý tăng vọt từ
151 vụ năm 2011 lên 466 vụ năm 2012 (tăng gấp hơn 3 lần). Trong đó, một số địa
bàn phát sinh nhiều vụ án hành chính như Mỹ Đức (148 vụ), tiếp đến là Long
Biên, Thanh Trì, Hà Đông, Cầu Giấy...
Các vụ án hành chính phát sinh chủ yếu tập trung
vào khiếu kiện các quyết định về quản lý đất đai (thu hồi, bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư, cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Một số loại
việc phát sinh ít nhưng ở nhiều lĩnh vực như xử phạt vi phạm hành chính trong
các lĩnh vực an ninh trật tự, hải quan, an toàn giao thông, sở hữu trí tuệ...
Trường hợp đáng tiếc gần đây nhất vẫn được nhắc
đến là vụ giết người, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản ở Tiên
Lãng, Hải Phòng. Một quyết định giao đất cho người dân cách đây gần 20 năm
trời, nhưng sau 15-17 năm phát hiện là sai, cần phải thu hồi đất về nên gây ra
những phản ứng tiêu cực của người dân.
Lý giải qua lăng kính của chuyên gia pháp luật,
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa
cho rằng, do pháp luật chưa có các quy định nhằm kiểm soát một cách hiệu quả
việc ban hành QĐHC trái pháp luật, thiếu khách quan, không minh bạch dẫn đến
phát sinh các tranh chấp, tiêu cực trong thực tế như trên.
Bà Thoa cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế của pháp
luật về ban hành QĐHC như còn thiếu thống nhất về khái niệm QĐHC, hình thức của
QĐHC, chủ thể ban hành QĐHC; còn thiếu các quy định mang tính nguyên tắc chung,
thống nhất để có thể áp dụng cho tất cả các cơ quan hành chính khi ban hành
QĐHC; còn thiếu quy định về ủy quyền ban hành QĐHC; còn thiếu các quy định
thống nhất về hiệu lực của QĐHC, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, đình chỉ,
hủy bỏ QĐHC; còn thiếu các quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục ban
hành QĐHC làm cơ sở để xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền
ban hành QĐHC…
Để giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc
ban hành QĐHC nêu trên, Dự án Luật Ban hành QĐHC đã được Bộ Tư pháp đề xuất và
được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII của Quốc hội. Việc
ban hành Luật này nhằm thiết lập những nguyên tắc cơ bản, nền tảng chung thống
nhất cho hoạt động ban hành QĐHC của các cơ quan nhà nước, tạo cơ sở pháp lý
hữu hiệu để kiểm soát tính hợp pháp của các QĐHC; bảo đảm sự minh bạch, công
khai, khách quan trong ban hành QĐHC, góp phần hạn chế các QĐHC được ban hành
không hợp lòng dân, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Thông qua đó,
quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm trong quá trình ban
hành QĐHC.
Cần tích cực hoàn thiện
Tuy nhiên, để có thể đạt được những mục tiêu
này, Dự án Luật cần được nghiên cứu kỹ càng, hoàn thiện nhiều quy định. Theo
góp ý của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh: “Nên tập trung quy
định về trình tự, thủ tục để người có thẩm quyền ra QĐHC có thể phân biệt và tuân
thủ. Bởi các QĐHC trên thực tế, chủ yếu là chính quyền địa phương, nhất là cấp
quận, huyện, liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng…, thường “vấp” rất
nhiều lỗi. Tuy nhiên, trước mắt chỉ chuyên nghiệp hóa quy định ra QĐHC đối với
5 lĩnh vực “nổi cộm” gồm đất đai – tài nguyên, xây dựng, an ninh trật tự, lao
động – thương binh và xã hội, tư pháp”.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc
gia Hà Nội) lại cho rằng: “Cần cân nhắc tại sao chưa điều chỉnh hành vi hành
chính vì nó liên quan rất lớn đến quyền lợi của người dân, trong khi Luật Tố
tụng Hành chính ban hành từ năm 2010 cũng đã “bỏ qua” hành vi hành chính. Ngoài
ra, trong quá trình ban hành QĐHC thì mức độ tham gia của người có liên quan
như thế nào; trình tự, thủ tục ra sao để nếu không thực hiện, người dân biết
được quyền lợi của họ bị xâm phạm đến đâu. Minh bạch hóa thủ tục cũng phải là
dân có quyền nói lại và quyền này chính là để kiểm soát việc ban hành QĐHC”.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà
nước và Pháp luật) bày tỏ băn khoăn nếu quy định trình tự, thủ tục ban hành
QĐHC một cách chặt chẽ, cẩn thận thì liệu có đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng,
kịp thời? “Trong hai tiêu chí ấy, ta sẽ chọn tiêu chí nào khi mới đây xảy ra
một loạt quyết định về nhà đất tại một thành phố lớn được ban hành theo cơ chế
một cửa rất nhanh gọn nhưng không chính xác?” – ông Nghị đặt câu hỏi.
Giảng viên Trần Thị Hiền (Trường Đại học Luật Hà
Nội) nhận định là chưa thấy định hướng xây dựng Dự luật đề cập đến cơ chế tạo
ra tính hợp lý của QĐHC, việc đánh giá tính hợp lý của QĐHC dựa trên cơ sở tiêu
chí nào cũng chưa rõ. “Theo quan điểm của tôi, việc kiểm soát tính hợp lý của
QĐHC chỉ có thể thông qua kênh dư luận xã hội, kênh công chúng” – bà Hiền nhấn
mạnh.
|