·
Gần
một triệu người kê khai tài sản, một người bị kỷ luật / Nguyên
Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm người có khuyết điểm
-
Ông đánh giá như thế nào về việc kê khai tài sản khi vừa rồi Thanh tra Chính
phủ thông tin có một trường hợp bị xử lý trong một triệu người kê khai tài sản?
-
Kê khai tài sản chỉ là một trong những giải pháp để quản lý tài sản. Ở các
nước, để phòng chống tội tham nhũng thì vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát tài
sản. Cho đến nay chúng ta chưa kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức và
người có chức vụ quyền hạn. Vì vậy, Chính phủ được giao trình Quốc hội một
văn bản về kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn nhưng văn bản này
vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Đây là một quá trình khó.
Bên
cạnh kiểm soát tài sản của cán bộ công chức và người có chức vụ quyền hạn thì
mỗi người còn có quyền công dân, quyền được giữ bí mật để đảo đảm an toàn trong
giao dịch dân sự. Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu kiểm soát tài sản của toàn
bộ xã hội chứ cứ loay hoay kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, người có
chức vụ quyền hạn thì sẽ xảy ra trường hợp bố là Chủ tịch UBND tỉnh, HĐND tỉnh…
không có tài sản nhưng con là giám đốc một ngân hàng có hàng nghìn tỷ đồng.
Trong trường hợp đó chúng ta không kiểm soát được.
Vì
vậy, việc kê khai tài sản ở nơi công tác và nơi cư trú chỉ là một việc rất nhỏ
trong việc tiến tới chúng ta kiểm soát tài sản của cán bộ.
- Công tác phát hiện tham nhũng
thời gian qua được thực hiện ra sao?
- Theo báo cáo của Chính phủ và Ủy
ban Tư pháp của Quốc hội, việc phát hiện tham nhũng của các cơ quan chức năng,
đặc biệt là các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng trong thanh tra
Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ Công an, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng
chất lượng chưa cao. Đặc biệt là hiệu quả phát hiện của các cơ quan chuyên
trách này còn yếu.
Đối với nhân dân, việc phát hiện
chủ yếu thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các
tổ chức chính trị xã hội và mặt trận. Tuy nhiên, thể chế pháp luật cho các
thiết chế, đặc biệt là thiết chế cho người tố cáo tham nhũng chưa đầy đủ.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước chúng
tôi có sang làm việc với Cục điều tra liên bang (FBI) của Mỹ. Ở Mỹ, cơ quan này
cũng rất khó khăn trong việc bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo. Chúng
ta đang hoàn thiện thể chế để khuyến khích và bảo vệ được người tố cáo tham
nhũng. Bởi vì không ít trường hợp tố cáo tham nhũng bằng hình thức này hay hình
thức khác đã bị trả thù. Đây là rào cản để người dân tham gia vào việc tố cáo
tham nhũng.
- Luật phòng chống tham
nhũng quy rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi xảy ra sai phạm.
Thực tế thì như thế nào, thưa ông?
- Trong pháp luật về công chức,
luật về hành chính nhà nước thì trách nhiệm của từng vị trí là chưa rõ. Trong
nhiệm kỳ khóa trước, tôi đã đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng luật công
vụ. Trong luật đó, xác định trách nhiệm từng vị trí công tác, cấp trưởng, cấp
phó, nhân viên.
Hiện nay khi có sự việc xảy ra,
chúng ta xác định trách nhiệm của từng cấp là rất khó. Cứ luẩn quẩn giữa trách
nhiệm của cấp trưởng, cấp phó hay người trực tiếp sai phạm. Việc xác định
trách nhiệm của người đứng đầu, mặc dù đã có quy định rồi nhưng trên thực tế áp
dụng không đơn giản. Trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu, trách nhiệm liên
đới, trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm kiểm tra, xử lý cán bộ thì chưa đủ cơ
chế toàn diện để xác định trách nhiệm người đứng đầu. Vì vậy, có nơi làm được,
có nơi chưa làm được.
Bên cạnh đó còn bệnh thành tích.
Người đứng đầu mà phát hiện ra người tham nhũng thì rõ ràng công tác quản lý
của mình kém. Đừng lấy những địa phương, đơn vị, bộ ngành phát hiện ra nhiều
tham nhũng và cho đó là khuyết điểm. Cần phải coi đó là ưu điểm để khuyến khích
người đứng đầu nâng cao trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham
nhũng trong đơn vị của mình.
- Ông đánh giá như thế nào
về tình hình tham nhũng hiện nay?
- Tình hình tham nhũng hiện nay
đang rất phức tạp và nghiêm trọng. Thanh tra Chính phủ đã có thông tư đưa ra
tiêu chí để đánh giá về tình hình tham nhũng. Bản chất của tham nhũng là
ngầm. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan chuyên trách phải nâng cao năng lực nghiệp vụ
trong việc phát hiện tham nhũng. Từ đó, phát hiện nhiều hơn, xử lý nghiêm sẽ
hạn chế được tham nhũng.
Trung Quốc đã rất thành công trong
việc chống tham nhũng và bắt đầu tiến tới không dám, không thể tham nhũng.
Chúng ta phải học tập nước bạn ở việc này. Báo cáo của Chính phủ năm nào
cũng nói là tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng, người dân thì bức xúc với
hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy thể hiện chúng ta làm chưa đủ độ,
chưa đủ hiệu quả và người dân đánh giá chúng ta chưa cao.
|