Số vụ được TGPL trong tố tụng ít
Báo cáo
của Bộ Tư pháp cho thấy, việc thực hiện các vụ việc TGPL cũng chưa toàn
diện; kết quả thực hiện vụ việc TGPL chưa cao, số lượng vụ việc tham
gia tố tụng còn thấp. Tổng số vụ việc tham gia tố tụng chỉ chiếm một con
số khá khiêm tốn là 5,8% trong tổng số các vụ việc TGPL. Trợ giúp viên
pháp lý thực hiện vụ việc tham gia tố tụng chưa nhiều, có trợ giúp viên
pháp lý chưa tham gia tố tụng lần nào. Ngay cả khi tham gia tố tụng thì
chất lượng cũng chưa được bảo đảm. Chưa có nhiều vụ việc tham gia ở giai
đoạn điều tra. Một số vụ việc, người thực hiện TGPL chưa tích cực tham
gia hoạt động tố tụng nhất là đối với hoạt động tố tụng hình sự.
Trước
đó nhằm tạo điều kiện cho người dân được TGPL trong hoạt động tố tụng
liên ngành, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSNDTC
và TANDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2007 hướng dẫn áp dụng
một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên sau 6 năm
triển khai số lượng vụ việc được TGPL trong hoạt động tố tụng rất ít.
Điển
hình như tại Hà Nội ngay sau khi Thông tư có hiệu lực thi hành đã thành
lập Hội đồng và ra quyết định thành lập Tổ giúp việc cho Hội đồng. Theo
đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng thành
viên, tổ chức có nhiệm vụ hướng dẫn, TGPL cho bị tạm giữ, bị can, bị
cáo. Tuy nhiên số vụ việc được TGPL trong hoạt động tố tụng còn khiêm
tốn. Báo cáo năm 2013 của Sở Tư pháp Hà Nội cho thấy, trong tổng số 39
cơ quan tiến hành tố tụng có 11/39 đơn vị đã thực hiện tốt công tác về
TGPL và có số đối tượng được TGPL nhiều. Có 12/39 đơn vị đã thực hiện
công tác TGPL nhưng chưa đạt hiệu quả cao và số đối tượng được TGPL còn
thấp và số đối tượng được TGPL còn rất ít so với tổng số đơn vị đã khởi
tố, thụ lý và giải quyết. Đặc biệt có 10/39 đơn vị không có đối tượng
nào được TGPL.
Trên thực tế không riêng Hà Nội mà ở nhiều
địa phương hoạt động TGPL trong lĩnh vực này dường như vẫn còn bỏ ngỏ và
không nhận được sự quan tâm của ngành chức năng. Theo Thứ trưởng Bộ Tư
pháp Nguyễn Thúy Hiền – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về
TGPL trong hoạt động tố tụng Trung ương, việc triển khai thực hiện nhiệm
vụ phổ biến thông tin về TGPL cho cán bộ các ngành thành viên chưa sâu
rộng nên còn một số điều tra viên, giám thị trại tạm giam, kiểm sát
viên…chưa giải thích rõ ràng về quyền được TGPL cho người đang bị tạm
giam, tạm giữ…
Đẩy mạnh xã hội hóa TGPL
Tại
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chiến lược TGPL mới đây, Phó Chủ tịch
QH Uông Chu Lưu đánh giá, công tác TGPL vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế,
nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược chưa đạt cần có sự điều chỉnh để phù hợp
với thực tiễn như: nhiều người dân chưa biết về quyền được TGPL, việc
tổ chức thực hiện TGPL chưa chú trọng, tập trung vào trợ giúp vụ việc…
Đại
diện Bộ Tư pháp thừa nhận, chỉ tiêu bảo đảm từ 50 - 60% số tổ chức hành
nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý
(giai đoạn 2011 - 2015) không khả thi, con số này chỉ mới 10,6%. Chỉ
tiêu bảo đảm từ 60 - 70% trợ giúp viên pháp lý được luân phiên bồi dưỡng
kiến thức quản lý nhà nước tương đương ngạch chuyên viên là không cần
thiết (trừ chức danh giám đốc trung tâm) vì trợ giúp viên pháp lý là
chức danh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó chỉ tiêu thành lập
chi nhánh của trung tâm TGPL tại các huyện xa trung tâm (từ trên 25km
đối với địa bàn đồng bằng đông dân cư và trên 35km đối với địa bàn vùng
trung du, miền núi) đang dẫn đến nhiều bất cập. Một số địa phương thành
lập nhiều chi nhánh nhưng không dựa vào nhu cầu TGPL của người dân và
điều kiện của địa phương về nguồn lực con người, kinh phí, cơ sở vật
chất, nên hiệu quả hoạt động không cao.
Một nguyên nhân
khác nữa ảnh hưởng đến hoạt động TGPL là công tác xã hội hóa hoạt động
TGPL chưa được đẩy mạnh, số lượng luật sư thuộc các tổ chức TGPL không
nhiều, mà chủ yếu là các luật sư mới hành nghề, chưa có nhiều kinh
nghiệm và năng lực còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng
TGPL trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, hoạt
động TGPL cần tập trung chủ yếu vào cung cấp vụ việc TGPL, nhất là các
vụ việc tham gia tố tụng. Theo đó, chiến lược cần sửa đổi, bổ sung theo
hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.