Theo đó, Chương trình phối hợp tập
trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên
tai, thảm họa; xây dựng, củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai, thảm họa tại
cơ sở; phối hợp tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án
phòng, chống thiên tai, thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương
trình, dự án cứu trợ, góp phần thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và nâng
cao năng lực điều hành của cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp.
Chương trình phối hợp cũng hướng tới phát huy vai trò của mỗi bên trong triển
khai khung hành động Sendai, tham gia các diễn đàn khu vực, vùng về giảm nhẹ
rủi ro thiên tai, thảm họa; trao đổi kinh nghiệm, thông tin, truyền thông và
tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do thiên tai, thảm họa; hợp tác quốc tế và
tăng cường kết nối mạng lưới ứng phó liên quốc gia khi có thiên tai, thảm họa
khu vực ASEAN, Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Trước đó, từ năm 2011, Bộ NN&PTNT - Thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng chống
lụt bão Trung ương và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp
tác triển khai Đề án 1002 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao nhận thức cộng
đồng và Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”.
Sau hơn 4 năm thực hiện, hai bên đã phối hợp đào tạo gần 1.200 tập huấn viên
cấp tỉnh, 165 tập huấn viên cấp huyện và cấp xã; phối hợp hoàn thiện tài liệu
và triển khai “Đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” (CBDRA), thực hiện
các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, chăm sóc, trồng rừng
ngập mặn, rừng đầu nguồn, hỗ trợ bò sinh sản giúp các hộ nghèo phát triển sản
xuất, phục hồi sinh kế sau thiên tai, thảm họa.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các đối tác quốc tế, Hội Chữ thập
đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động can thiệp rủi ro thảm họa tại 555 xã,
phường thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố; đánh giá tình trạng dễ bị
tổn thương và khả năng - VCA tại trên 300 xã, phường; thành lập trên 200 đội
ứng phó thảm họa cấp cộng đồng.
|