Đây cũng tiếp tục là vấn đề nhận được sự quan tâm
tại cuộc họp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về Dự thảo Nghị định
quy định chi tiết thi hành Luật này diễn ra hôm qua (24/2).
Áp dụng với luật, pháp lệnh, một số nghị
định và nghị quyết
Cùng nhiều điểm mới và yêu cầu cao hơn so với hai
Luật hiện hành, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 đã
quy định tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo
VBQPPL. Trong đó, tập trung vào quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác
động chính sách và thẩm định chính sách trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng
VBQPPL.
Theo quy định mới, việc xây dựng chính sách, đánh
giá tác động chính sách và thẩm định chính sách phải được thực hiện trước khi
soạn thảo VBQPPL. Đối với dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình và nghị định
thì chính sách còn phải được Chính phủ phê duyệt trước khi trình Quốc hội, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh và trước khi soạn thảo nghị định.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm chất lượng của đề nghị xây
dựng VBQPPL theo đúng yêu cầu của Luật năm 2015, nhất là thẩm định từng chính
sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Dự thảo Nghị định quy định Bộ
trưởng Bộ Tư pháp thành lập các hội đồng tư vấn thẩm định để xem xét, cho ý
kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định.
Quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh,
nghị định được quy định chặt chẽ và bảo đảm thu hút sự tham gia của các đối
tượng khác nhau trong xã hội, công chúng và nâng cao trách nhiệm của các chủ
thể đề nghị xây dựng VBQPPL. Tương tự như ở cấp Trung ương, Dự thảo Nghị định
cũng yêu cầu thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với đề nghị xây dựng nghị
quyết của HĐND cấp tỉnh.
Trường hợp báo cáo thẩm định khẳng định đề nghị
xây dựng VBQPPL chưa đủ điều kiện trình Chính phủ hoặc UBND, Bộ Tư pháp hoặc Sở
Tư pháp phải nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ cho cơ quan lập đề nghị để chỉnh lý
đề nghị và quyết định trình hoặc không tiếp tục trình Chính phủ hoặc UBND. Nếu
cơ quan lập đề nghị quyết định tiếp tục trình thì gửi hồ sơ đã được chỉnh lý
đến Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp để thẩm định lại.
Cơ bản nhất trí với những quy định trên nhưng một
số ý kiến đề nghị phải “phân vai” rõ cho từng cơ quan trong đánh giá tác động,
thẩm định, thẩm tra và vai trò của tổ chức pháp chế để vừa thấy trách nhiệm của
từng cơ quan vừa thuận lợi hơn trong bố trí kinh phí.
Bên cạnh đó, có ý kiến đặt vấn đề rằng khi nào
các bộ, ngành, địa phương được bắt tay vào soạn thảo khi chính sách được Chính
phủ thông qua sao cho giảm thời gian chờ đợi, liệu có nên cho phép soạn thảo
ngay lúc được Chính phủ thông qua?
Đối với những câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng
Cường nêu quan điểm là chỉ được soạn thảo khi chính sách được Quốc hội cơ bản
đồng ý, không thể làm ngay thời điểm mới được Chính phủ thông qua và nhấn mạnh
chưa có văn bản thẩm định thì chưa trình Chính phủ trình Quốc hội.
Bảo đảm nguồn lực xây dựng và ban hành
văn bản quy phạm pháp luật
Muốn xây dựng một hệ thống pháp luật tốt đòi hỏi
phải xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp
luật và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Xuất phát từ quan điểm nêu trên, Dự
thảo Nghị định quy định về người làm công tác xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyển dần sang chuyên
nghiệp hóa, đồng thời quy định cơ chế sử dụng chuyên gia, cộng tác viên vào một
số hoạt động xây dựng pháp luật như xây dựng, đánh giá tác động, phản biện
chính sách, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Ngoài ra, để bảo đảm kinh phí phục vụ cho công
tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mục tiêu và yêu cầu
đổi mới của Luật năm 2005, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với các quy định mới
của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Dự thảo Nghị định quy định về các nguyên
tắc bảo đảm kinh phí cho hoạt động xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp
luật, hoạt động được chi và mục chi lớn, còn mục chi cụ thể và mức chi cụ thể
sẽ được Bộ Tài chính quy định trong thông tư theo hướng tăng mức chi một cách
hợp lý.
Đồng tình với những đổi mới trên, Phó Vụ trưởng
Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi băn khoăn quy định về nội dung chi
đang quy định khá chi tiết tại Điều 193 Dự thảo Nghị định. “Ban soạn thảo nên
cân nhắc có đưa nội dung chi vào không, tuy sẽ thuận trong hướng dẫn song nếu
phát sinh thêm hoạt động thì không được chi. Có lẽ cần giảm bớt nội dung chi,
tập trung những nội dung chi cần thiết, gắn với hoạt động để tăng mức chi” –
ông Khôi đề xuất.
|