Tiền tỷ “đắp chiếu”
Theo quyết định của bản án đã có hiệu
lực “buộc Công ty TNHH Hà Văn phải trả tiếp cho Công ty cho thuê tài
chính KEXIM Việt Nam 477.619,02USD. Kể từ tháng thứ 2 sau khi án có hiệu
lực pháp luật, Công ty TNHH Hà Văn còn phải chịu lãi suất quá hạn theo
quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương ứng với thời gian chậm
thi hành án…".
Thi hành bản án trên, Cục thi hành án
dân sự (THADS) tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định cưỡng chế THA, kê biên,
định giá tài sản kê biên và uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá
tài sản - Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản
kê biên của Công ty TNHH Hà Văn để đảm bảo THA.
Tháng 8/2009, trung tâm dịch vụ bản
đấu giá tài sản đã bán đấu giá thành toàn bộ tài sản kê biên của Công ty
TNHH Hà Văn tổng giá trị trên 13 tỷ đồng. Ngày 25/8/2010 người trúng
đấu giá tài sản là ông Ngô Quang Vinh đã nộp toàn bộ số tiền mua tài sản
vào tài khoản của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Do Công ty
TNHH Hà Văn không tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá, Cục
THADS tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, báo cáo UBND tỉnh và
quyết định tổ chức cưỡng chế vào ngày 28/01/2010.
Tuy nhiên, trước khi cưỡng chế 6
ngày, Cục THADS tỉnh Hưng Yên nhận được công văn của Uỷ ban kiểm tra
Trung ương, nội dung thông báo cho UBND tỉnh Hưng Yên và Cục THADS tỉnh
Hưng Yên biết, hiện Công ty TNHH Hà Văn khiếu nại Cục THADS tỉnh Hưng
Yên, nên cần chỉ đạo xem xét theo đúng quy định…
Liên quan đến vụ việc này, Uỷ ban
kiểm tra Trung ương đã có Thông báo kết luận số 554-TB/UBKTTW ngày
28/12/2009 yêu cầu Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân Tối cao có nghị quyết
lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ án mà trong quá trình
xét xử có những sai phạm, trong đó có vụ của Công ty TNHH Hà Văn.
Sau khi nhận được công văn trên, Cục
THADS tỉnh Hưng Yên đã báo cáo và được Tổng cục THADS, UBND tỉnh Hưng
Yên chỉ đạo cho lùi thời gian cưỡng chế lại chờ kết quả giải quyết của
Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, đến nay Uỷ ban Kiểm tra Trung
ương vẫn chưa có văn bản trả lời, do vậy việc cưỡng chế giao tài sản cho
người trúng đấu giá chưa thực hiện được.
Tiền triệu cũng khó “thu hồi”
Trong một vụ án tranh chấp đất đai,
vợ chồng gia đình ông Tô Văn Nam và bà Hà Kim Thu (ấp Bình Lợi, xã Long
Bình, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) bị hai cấp Tòa án Hậu Giang xử buộc phải
trả cho ông Năm số vàng 20 chỉ đã nhận. Căn cứ theo đơn yêu cầu THA của
ông Năm, Chi cục THA huyện Long Mỹ đã tiến hành lập biên bản kiểm kê
tài sản, đấu giá diện tích trên để THA.
Nhà thuộc diện nghèo nhưng khi nghe
tin nhà nước tổ chức bán đấu giá 2.500m2 đất, ông Nguyễn Văn Triệu đã
vay tiền ngân hàng để tham gia đấu giá. Tại phiên đấu giá ngày 4/5/2010,
ông Triệu đã là người trúng đấu giá quyền sử dụng diện tích đất trên.
Sau phiên đấu giá, ông Triệu đã thanh toán ngay số tiền đợt 1 là 30
triệu đồng cho người bán tài sản thông qua Công ty TNHH Một thành viên
đấu giá Nam Bộ và 7 ngày sau, ông Triệu tiếp tục thanh toán xong số tiền
còn lại.
Ngày 29/7/2010, Chi cục THADS huyện
Long Mỹ phối hợp với các cơ quan chức năng huyện và xã Long Bình tiến
hành đo đạc để giao tài sản cho ông Triệu, nhưng bà Thu không chấp hành.
Những lần sau đó, bà Thu cũng có phản ứng tương tự và tỏ thái độ hăm
dọa đối với ông Triệu.
Cho đến nay, dù nhiều lần “tha thiết”
nhờ cơ quan THA huyện nhưng gia đình ông Triệu vẫn chưa nhận được tài
sản mà mình đã trúng đấu giá. Việc này khiến ông Triệu vô cùng bức xúc.
Tiền lãi ngân hàng hàng ngày ông vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” để trả,
nhưng tài sản ông mua được thì cứ treo đấy, không biết đến bao giờ mới
được nhận.
Một trong những lý do bà Thu “vin”
vào để không tự nguyện giao đất là việc sử dụng từ ngữ trong bản án phúc
thẩm của TAND tỉnh. Mặc dù sau đó TAND tỉnh đã ra thông báo sửa chữa,
bổ sung bản án phúc thẩm đúng quy định nhưng gia đình bà Thu vẫn không
chấp hành.
Theo Chi cục THADS huyện Long Mỹ thì
việc vợ chồng bà Thu không thi hành mà có hành vi cản trở là sai với quy
định. Cơ quan THADS đang đề nghị Công an xem xét khởi tố vụ án hình sự
đối với bà Thu, ông Nam
về hành vi không chấp hành bản án
theo quy định của Bộ luật Hình sự. Sau đó, sẽ tiến hành giao phần đất
trúng đấu giá cho ông Triệu.
Không còn cách nào khác là .. chờ đợi
Chưa có số liệu thống kê chính xác
hiện nay cả nước còn bao nhiêu những vụ việc tương tự như trên – trúng
đấu giá những không được giao tài sản - tuy nhiên qua khảo sát, rất
nhiều địa phương thừa nhận đều tồn tại những vụ việc tương tự. Trong đó,
có những vụ việc kéo dài nhiều năm gây dư luận bức xúc trong dư luận.
Người mua đấu giá, dù họ có là doanh
nhân giàu có hay người lao động nghèo thì đồng tiền bỏ ra nằm đấy ngày
nào là thiệt hại ngày đó. Trong những vụ việc này, cách xử lý duy nhất
của người trúng đấu giá chỉ có thể là… khiếu nại và chờ đợi nhưng… không
biết đến bao giờ.
Để có những giải pháp cho từng vụ
việc cụ thể thì đòi hỏi sự quyết liệt không những của cơ quan THADS mà
còn là sự phối hợp của các ngành liên quan như Tòa án, Công an, Kiểm
sát, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Và đặc biệt cần
phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo THA các cấp. |