Cơ hội cuối cùng
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về
công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa qua, Tổng Thanh
tra Chính phủ cho biết từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính
nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp
nhận, xử lý hơn 672 nghìn đơn thư; trong đó, nội dung khiếu nại của
công dân tập trung chủ yếu liên quan đất đai chiếm trên 70%.
Cũng tại Hội nghị này, người đứng đầu
Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, cả nước hiện còn 528 vụ khiếu kiện tồn
đọng kéo dài chưa được giải quyết và coi đó chính là mầm mống gây mất ổn
định chính trị, xã hội, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng lập hồ
sơ từng vụ việc cụ thể, đề ra các phương án xử lý với tinh thần chỉ đạo
sâu sát, quyết liệt, giải quyết dứt điểm, đăng tải công khai trên mạng
của các cơ quan chức năng về tiến độ xử lý của các vụ việc này.
Rõ ràng, khiếu nại về đất đai là một
vấn đề "nóng" và sẽ còn phức tạp. Nguyên nhân của việc gia tăng số lượng
khiếu nại về đất đai, theo Bộ TN&MT, không chỉ do hệ thống chính
sách pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế mà còn do công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai, pháp luật khiếu nại,
tố cáo còn lơ là. Chính quyền các cấp ở địa phương chưa thực sự quan tâm
công tác này nên nhiều trường hợp người dân khiếu nại sai, vượt cấp,
thậm chí còn không biết để khiếu nại.
Với riêng qui định về thời hạn khởi
kiện các quyết định, hành vi hành chính đến 30/6 tới đây là hết, khi
được hỏi, nhiều lãnh đạo phụ trách mảng đất đai của một số huyện, xã
trên địa bàn Hà Nội cũng ngắc ngứ không biết mặt mũi nó thế nào. Một số
cán bộ lại “phán” trách nhiệm người dân phải biết luật, không việc gì
phải lùi thời hạn.
Thậm chí, có người còn “qui kết” do
luật sư muốn “bới” lại vụ kiện nào đó nên bàn lùi thời hạn để "vào
cuộc". Rất ít cơ quan nghĩ rằng đây là cơ hội cuối cùng bằng con đường
tố tụng cho những vụ khiếu nại tồn đọng bấy lâu. Biết đâu trong số 528
vụ khiếu kiện tồn đọng trong cả nước hiện nay sẽ có vụ người dân tìm lại
được công bằng chỉ vì có thêm thời gian khởi kiện?.
Lỗi không biết luật không chỉ của người dân bởi vậy, người dân rất cần được gia hạn để thực hiện quyền khởi kiện của mình…
Nếu khởi kiện ngay vẫn kịp
Theo nhận định của các luật sư, qui
định cho những trường hợp tồn đọng được phép kiện ra Tòa trong thời hạn 1
năm có những thuận lợi cho cả cơ quan nhà nước và cả người dân. Đó là
chấm dứt được những vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài, giảm số vụ khiếu nại
đông người đến các cơ quan nhà nước và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho
người dân để tiếp tục được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng con
đường tòa án, khi mà trước đó họ hoàn toàn bế tắc bởi các cơ quan nhà
nước trả lời khiếu nại của họ không có cơ sở.
Ghi nhận của PLVN, sau khi có
qui định được khởi kiện thì số vụ kiện tới tòa án tăng vọt và số vụ
thắng kiện cũng không phải là nhỏ. “Số vụ kiện ra Tòa tăng, nhưng chúng
tôi chưa có thống kê cụ thể” - Phó Chánh tòa Hành chính TANDTC Nguyễn
Thị Hoàng Bạch Yến cho biết.
Một số luật sư cũng thừa nhận, số vụ
tư vấn các quyết định, hành vi hành chính lĩnh vực đất đai mà các văn
phòng luật sư nhận cũng tăng. “Đã có khoảng 1 ngàn hồ sơ qua văn phòng
chúng tôi và tính ra mỗi tháng văn phòng phải giải quyết khoảng 1 trăm
vụ. Trong số đó, có khoảng 30% số vụ người dân thắng kiện, có thể bằng
bản án, hoặc trong quá trình khởi kiện cơ quan nhà nước xin rút quyết
định và sửa sai”- Luật sư Vũ Văn Lợi, Văn phòng Luật sư Hòa Lợi cho hay.
Luật sư Lợi dẫn chứng hai vụ người dân
suýt bị mất tiền, mất đất do các quyết định ban hành sai trái của chính
quyền. Đó là vụ chính quyền thu hồi đất xây dựng quảng trường Lam Sơn,
Thanh Hóa. Người dân kiện vì họ đã bị áp giá bồi thường năm 2005, trong
khi thời điểm họ bị thu hồi là năm 2007, lúc đó giá đã biến động tăng
lên nhiều lần. Khi kiện ra Tòa thì tòa án mới làm rõ áp giá như thế là
sai, mỗi hộ được bồi thường thêm trên dưới 1 tỷ đồng.
Còn vụ thứ hai, chính quyền huyện
Chương Mỹ (Hà Nội) thu hồi 1.400m2 đất của người dân với căn cứ không
có, thu hồi chẳng để làm gì. Sau khi người dân kiện ra Tòa, chính quyền
vội vàng rút lại quyết định thu hồi và hiện nay người dân đã được trả
lại đất. “Điều đó cho thấy, nếu như không có được quyền khởi kiện ra Tòa
thì không ít trường hợp người dân đã bị thiệt hại quyền lợi và nghiêm
trọng hơn là mất lòng tin vào sự công bằng của pháp luật”, luật sư Lợi
nói…
|