Chưa thực sự như mong đợi
Bảo đảm bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp
lý (TGPL) là vấn đề được quan tâm thực hiện ngay từ khi tổ chức TGPL
được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2007. Trên cơ sở các điều
ước quốc tế và các văn bản pháp luật Việt Nam, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ
Tư pháp và các Trung tâm TGPL nhà nước đã tổ chức triển khai thực hiện
tất cả các hình thức hoạt động TGPL, trong đó có các hoạt động TGPL dành
riêng cho các nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, đặc biệt phụ nữ, trẻ
em là nạn nhân bị buôn bán, bị bạo lực gia đình. Đặc biệt, từ năm 2005
trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam 2005 –
2009” cùng với một số đối tượng khác, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia
đình chính thức được hưởng TGPL miễn phí. Theo đó, các nạn nhân bạo lực
gia đình được TGPL thông qua các hình thức cụ thể: tư vấn pháp luật,
tham gia tố tụng… được tiến hành qua các tổ chức như văn phòng TGPL, các
Trung tâm TGPL nhà nước .
Theo số liệu thống kê, trong tổng số người được TGPL thì nữ chiếm trên
40%. Tỷ lệ vụ việc TGPL cho phụ nữ ở các Trung tâm tăng đều hàng năm.
Điển hình tại các tỉnh tham gia thực hiện thí điểm lồng ghép giới như:
Bến Tre, năm 2006 tỷ lệ người được TGPL là nữ chiếm 37,3%, đến năm tiếp
theo tỷ lệ này tăng lên 51,4%; tại Thanh Hoá tỷ lệ này là 35,6% năm 2006
. Năm 2007, tại 5 tỉnh thực hiện thí điểm lồng ghép giới có 3.248 phụ
nữ được TGPL, năm 2008 con số này tăng lên 4.160. Theo báo cáo của các
Trung tâm này, trong tổng số vụ việc TGPL hàng năm, có trên 30% đối
tượng TGPL là phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ nghèo trong các vụ án ly hôn,
tranh chấp dân sự, phụ nữ bị xâm hại tình dục hoặc là đại diện hợp pháp
của trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi tình trạng bạo lực gia đình diễn
ra phức tạp thì đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp
cận và được TGPL miễn phí còn hạn chế. Đặc biệt hơn, nhiều tổ chức thực
hiện TGPL chưa thực sự chú trọng tới việc truyền thông về Luật Phòng,
chống bạo lực gia đình và các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình cho
phụ nữ, trẻ em. Phó cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp Trần Huy
Liệu cho biết thêm tỷ lệ người thực hiện TGPL là nữ còn rất ít, lại
chưa được trang bị kỹ năng tiếp xúc, tâm lý làm việc với phụ nữ … nên
hiệu quả TGPL cho nhóm đối tượng này chưa cao.
Gỡ… từ luật
Mặc dù vấn đề bình đẳng giới và lồng ghép giới đã được quy định trong
các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chủ yếu là quy định khung, mang
tính nguyên tắc, thiếu tính đồng bộ và chưa được cụ thể hoá trong các
lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội; chưa có những quy định trực
tiếp về bảo đảm bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép giới trong hoạt
động TGPL; chưa thực sự chú trọng tới sử dụng đồng bộ các biện pháp, các
hình thức để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL là nạn
nhân bạo lực gia đình. Nghị định số 08/2009/NĐ- CP ngày 4.2.2009 Quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật, phòng chống
bạo lực gia đình mới chỉ tập trung vào việc tư vấn pháp luật cho các nạn
nhân mà chưa đề cập tới các hình thức TGPL khác như tham gia tố tụng,
đại diện ngoài tố tụng…Đại diện Sở Tư pháp Hoà Bình cho biết, quy định
diện người TGPL hiện nay còn hẹp, dẫn tới nhiều loại đối tượng cần được
trợ giúp không nằm trong quy định. Đồng thời việc vận dụng các quy định ở
các địa phương, trung tâm TGPL còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt nên nhiều
nạn nhân bạo lực gia đình chưa được hưởng chính sách TGPL của nhà nước.
Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng
giới và TGPL đã có đủ thời gian để triển khai thực hiện nhưng kết quả
mới chỉ dừng lại ở một bộ phận rất nhỏ trong xã hội; chưa có tác động
mạnh mẽ tương xứng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng
như các tổ chức xã hội có liên quan trong bình đẳng giới; việc thực hiện
TGPL cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình mới chỉ được triển
khai thí điểm ở một số địa phương trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc
tế mà chưa mở rộng trong phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về TGPL
trong phòng, chống bạo lực gia đình, cho nạn nhân bạo lực gia đình nên
chưa có cơ sở pháp lý để các tổ chức và người thực hiện TGPL tham gia
giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình và trợ giúp cho
nạn nhân bạo lực gia đình. Các tổ chức thực hiện TGPL ở các địa phương
gặp nhiều lúng túng khi triển khai bảo đảm thực hiện các mục tiêu về
bình đẳng giới cũng như TGPL cho các nạn nhân bạo lực gia đình. Do đó số
vụ việc TGPL đối với các nạn nhân của bạo lực còn rất hạn chế.
Sự chậm chễ trong sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về
TGPL chính là việc kéo dài tình trạng mất bình đẳng giới và trên thực tế
nạn nhân bạo lực gia đình, nhất là phụ nữ chưa được bảo vệ như chính
sách, pháp luật của Nhà nước. Thiết nghĩ, đấu tranh cho bình đảng giới
hãy bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Từ việc sớm ban hành ban hành
Thông tư hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình và bảo
đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động TGPL và các văn bản liên
quan./.
Theo:nguoidaibieu.com.vn