Ảnh minh họa
Hình sự hóa hành vi thành lập, tham gia vào tổ chức tội phạm
Theo Bộ Tư pháp, thực tiễn đấu tranh
phòng, chống tội phạm trong thời gian qua đã chứng minh rằng, một số
hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa được quy định trong
BLHS. Điển hình có thể kể tới một số hành vi như: Buôn bán người với
mục đích bóc lột lao động; lạm dụng lao động trẻ em; dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực để đe dọa người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do
lựa chọn giới tính; thành lập hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; chiếm
đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; vi
phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người đi bộ tham gia
giao thông thực hiện; lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài
sản; tuyển dụng lao động, du học sinh bất hợp pháp; bảo kê, đòi nợ thuê
theo kiểu xã hội đen và các hành vi liên quan đến bảo hiểm xã hội…Vì
thế, sửa đổi BLHS đặt ra vấn đề nghiên cứu hình sự hóa các hành vi nói
trên để có cơ sở xử lý tội phạm.
Đặc biệt hiện nay, khi Việt Nam đã
tham gia một số điều ước quốc tế thì càng đòi hỏi cần “nội luật hóa”
những quy định có liên quan để tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh
phòng chống tội phạm. Đơn cử, BLHS hiện hành mới chỉ có một điều (Điều
79) quy định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trong đó
đề cập đến việc thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân mà chưa có quy định về vấn đề tổ chức tội phạm cũng như chưa
hình sự hóa hành vi thành lập, tham gia vào tổ chức tội phạm nói chung.
Trong khi đó, Điều 5 của Công ước
Liên Hợp quốc (LHQ) về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hóa việc tham gia vào một
nhóm tội phạm có tổ chức. Với tư cách là thành viên của Công ước này, Bộ
Tư pháp cho rằng Việt Nam cần phải hình sự hóa hành vi thành lập, tham
gia vào tổ chức tội phạm.
Thêm vào đó, thực tiễn nước ta trong
những năm qua tình hình diễn biến tội phạm ngày càng nghiêm trọng, tiềm
ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trong
đó đáng chú ý là “tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm hoạt
động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người
trái pháp luật gia tăng”. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo vấn
đề này để bổ sung vào BLHS.
Tham nhũng: hướng đến chủ thể nước ngoài
Theo quy định của BLHS hiện hành thì
chủ thể của nhóm tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ, quyền
hạn làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, bao gồm: cán bộ,
công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội (những người thi hành công vụ).
Còn những người có chức vụ, quyền hạn
của nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoặc làm việc ở
các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các Cty 100% vốn đầu tư nước ngoài,
các Cty liên doanh có vốn nhà nước tham gia, Cty CP, hợp tác xã (như
giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho…) không phải là chủ
thể của tội tham nhũng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, với tư
cách là thành viên của Công ước LHQ về chống tham nhũng, Việt Nam phải
hình sự hóa một số hành vi tham nhũng được nêu trong Công ước như hối lộ
trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; hối lộ công chức
nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công.
Trên thực tế, qua thực tiễn thi hành
BLHS, ở nước ta đã xuất hiện trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức
hoặc địa phương mình mà cá nhân Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ
cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế, tổ chức phi
chính phủ nhưng chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với
các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như đưa hối lộ. Tương tự,
việc không coi người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở các doanh nghiệp
ngoài quốc doanh là chủ thể tội phạm tham nhũng đã dẫn đến việc áp dụng
không thống nhất, xử lý không công bằng. |