Trước sự quan tâm của người dân đối với Đề án này, tại cuộc họp báo về công
tác tư pháp hôm (16/10), Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà
Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý.
Chất lượng vụ việc
TGPL còn nhiều bất cập
Xin bà cho biết
vì sao Bộ Tư pháp tham mưu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đổi
mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong giai đoạn hiện nay?
- TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách là một chủ trương rất nhân đạo
và hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. TGPL đã được thực hiện từ năm
1997 đến nay. Có thể nói, mô hình và cách thức thực hiện TGPL đã phù hợp trong
giai đoạn đầu của sự phát triển và đã mang lại những hiệu quả đáng kể cho công
cuộc “xóa đói giảm nghèo”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác TGPL đã bộc lộ những hạn chế, bất cập
như: hệ thống tổ chức thực hiện TGPL chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so
với yêu cầu thực tiễn; hình thức TGPL dàn trải, chưa bảo đảm đúng trọng tâm là
cung cấp vụ việc TGPL, nhất là trong lĩnh vực tố tụng; kinh phí bảo đảm cho
công tác TGPL hạn chế và phân bổ các khoản chi chưa hợp lý; công tác xã hội hóa
hoạt động TGPL chậm, chưa hiệu quả; quản lý nhà nước về công tác TGPL có nhiều
yếu kém; chất lượng và quản lý chất lượng vụ việc TGPL còn bất cập.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hiến pháp và một số đạo luật liên quan có sự sửa đổi,
hoàn thiện yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân;
quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận công lý, đã có sự đề
cao. Chính vì vậy, công tác TGPL cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp.
Như vậy có thể nói, việc đổi mới công tác TGPL xuất phát từ chính yêu cầu
“nội tại” của công tác TGPL. Và như chúng ta đã biết, Đề án đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 nhằm khắc phục
những hạn chế, bất cập của công tác TGPL trong thời gian qua, góp phần đưa công
tác TGPL phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước và xu thế hội nhập
quốc tế.
Đề án đổi mới lấy
người được TGPL làm trung tâm
Đề án đổi mới
công tác TGPL khi được triển khai thực hiện sẽ có tác động như thế nào đối với
công tác TGPL, thưa bà?
- Có thể nói, Đề án là một bước đột phá, tác động rất lớn đến cả tổ chức và
hoạt động của công tác TGPL. Chẳng hạn, Đề án sẽ tập trung đổi mới công tác
TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng,
miền, khu vực; tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế các Trung tâm TGPL; cải
cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Đặc biệt, Đề án lấy người được TGPL làm trung
tâm.
Các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong Đề án đều nhằm phục vụ người được
TGPL, nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung vào vụ việc TGPL, trong đó
chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của
người được TGPL.
Với Đề án này thì các Trung tâm TGPL sẽ chấm dứt việc thực hiện phổ biến
giáo dục pháp luật, không lấy kinh phí của TGPL chi cho hoạt động tuyên truyền
pháp luật mà chỉ thực hiện tuyên truyền về TGPL, về quyền được TGPL, tiếp cận
công lý của người dân, về hệ thống TGPL hiện hành để người dân sử dụng khi họ
có nhu cầu giúp đỡ pháp lý.
Đề án cũng có những tác động trực tiếp tới người được TGPL, giúp cho người
được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng, hạn chế việc bỏ sót đối tượng
được TGPL khi họ có yêu cầu và bảo đảm công lý, công bằng.
Đồng thời, Đề án cũng có những tác động đến đội ngũ người thực hiện TGPL
như định hướng cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý dành thời gian thực hiện vụ việc
TGPL, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng tranh tụng và cần đổi mới
về tư duy để nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng của công tác TGPL, giúp đối tượng
được TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi họ có nhu cầu
TGPL.
Có cơ chế thu
hút luật sư tham gia TGPL
Một trong những
mục tiêu mà Đề án đặt ra là tiến tới người thực hiện TGPL là luật sư. Trong điều
kiện số lượng luật sư ở nước ta chưa phải là nhiều như hiện nay, xin bà cho biết
Cục TGPL có giải pháp gì thu hút luật sư tham gia TGPL?
- Hiện nay Luật TGPL có chính sách xã hội hóa công tác TGPL, cho phép các tổ
chức hành nghề luật sư, các luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện
TGPL. Tuy nhiên, trên thực tế thì các luật sư tham gia TGPL chưa nhiều. Thống
kê của chúng tôi cho thấy mới chỉ có khoảng 10% luật sư đăng ký tham gia TGPL,
còn các công ty luật cũng như các văn phòng luật sư chưa tích cực tham gia vào
công tác này. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính
là các công ty luật, văn phòng luật sư hiện nay khi đăng ký với các Sở Tư pháp
để thực hiện TGPL chưa được hỗ trợ về kinh phí.
Với Đề án đổi mới thì khi các công ty luật, các văn phòng luật sư đăng ký
tham gia TGPL sẽ được Nhà nước lựa chọn, những tổ chức nào phù hợp, đủ năng lực
Nhà nước sẽ thuê và trả một khoản kinh phí tương đối lớn. Bộ Tài chính đã duyệt
mức kinh phí chi trả cho luật sư tham gia TGPL là 500 nghìn đồng/một buổi và 1
triệu đồng/một ngày làm việc. Tin chắc đây sẽ là một giải pháp đột phá trong việc
thu hút luật sư tham gia TGPL.
Với rất nhiều đổi
mới như vậy thì trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác TGPL được
thể hiện như thế nào, có thay đổi gì không, thưa bà?
- Trước hết, cần phải khẳng định rằng TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, điều
này cũng tương tự như đa số các nước khác trên thế giới. Ở địa phương, TGPL thuộc
trách nhiệm của UBND, của chính quyền địa phương. UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương giữ vai trò chủ yếu trong công tác TGPL, có trách nhiệm
thực hiện quản lý nhà nước về TGPL tại địa phương; bảo đảm biên chế, kinh
phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm TGPL nhà nước.
Riêng về kinh phí, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về công tác TGPL ở địa
phương trong việc bảo đảm kinh phí chi lương, chi hành chính, cơ sở vật chất,
trang thiết bị làm việc cho Trung tâm và các hoạt động TGPL ngoài nguồn hỗ trợ
từ Trung ương.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về
TGPL, trong đó xây dựng các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động TGPL, vì vậy
Đề án đã xác định nhiệm vụ của Bộ Tư pháp thực hiện hỗ trợ bằng nguồn ngân sách
trung ương đối với các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng tại các địa phương
chưa tự cân đối được ngân sách và các địa phương mà ngân sách địa phương không
có điều kiện chi trả.
Trân trọng cảm
ơn bà!
Không có quy định
nào trong Đề án đổi mới TGPL trái luật
Trước một số ý kiến băn khoăn cho rằng Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn
2015 – 2025 có những quy định trái với Luật TGPL, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn
phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, ngay sau khi có thông tin phản
ánh, Bộ Tư pháp đã thành lập một Tổ công tác để rà soát lại toàn bộ các quy định
của Đề án đổi mới và kết quả: không có quy định nào trong Đề án đổi mới trái với
Luật TGPL.
Hồng Thúy (thực hiện)
|