Băn khoăn về quyền
chuyển giới
Một trong những điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) lần này được
các đại biểu đánh giá cao đó là về vấn đề cá nhân có quyền chuyển đổi giới tính
(CĐGT). Mặc dù nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không tán thành với
quy định của Dự thảo về việc không công nhận quyền CĐGT nhưng người đã chuyển đổi
giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới
được chuyển đổi.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên
nhân của việc chuyển giới cũng như trường hợp nào được chuyển giới để tránh lạm
dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc CĐGT” khi chưa có
hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc CĐGT kéo theo nhiều vấn đề xã hội
phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học
để CĐGT, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân
và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...
Do đó, để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị
Quốc hội tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều luật riêng và chỉnh lý nội
dung này theo hướng xác định: “Việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật.
Cá nhân đã CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của
pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định
của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Liên quan đến vấn đề họ, tên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến
không tán thành quy định: “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá
hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định này hạn chế quyền con người, không
phù hợp với quy định của Hiến pháp. Từ lý do này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đề nghị bỏ quy định trên; một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh
hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được
thuyết phục, vận động trong thực tiễn áp dụng.
Nâng thời hiệu chia thừa kế
Có hai luồng ý kiến
khác nhau khi bàn về thời hiệu chia thừa kế. Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời
hiệu để những người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất
động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này
thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Luồng ý kiến thứ hai
đề nghị không quy định về thời hiệu chia thừa kế.
Đa số các thành viên của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với luồng ý kiến thứ nhất. Theo Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Dự thảo đã nâng thời hiệu chia di sản thừa kế nhằm bảo vệ tốt hơn
quyền lợi của người thừa kế hợp pháp, đồng thời cũng vẫn quy định một giới hạn
thời gian nhất định để người thừa kế thực hiện quyền của mình, bảo đảm ổn định
trật tự xã hội và phù hợp với tính chất của di sản thừa kế.
Cùng với đó, Dự thảo đã
đưa ra các phương án ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu di sản thừa kế khi
hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, lần lượt là nguời thừa kế đang quản lý di sản;
người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai hoặc nếu không có
người chiếm hữu đủ các điều kiện này thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.
Các quy định trên đã xử
lý được các vướng mắc xảy ra trong thực tế khi pháp luật hiện hành đang bỏ ngỏ,
không quy định việc xử lý quyền sở hữu đối với di sản thừa kế khi đã hết thời
hiệu chia thừa kế.
Cho ý kiến về Dự án Luật
về Hội, UBTVQH cho rằng Luật về Hội cần phải làm rõ khái niệm và phạm vi điều
chỉnh quy định, làm sao để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý để
công dân sau này nhìn vào đó biết được làm gì, không được làm gì trong các hoạt
động có liên quan đến hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng, Việt Nam hiện bao gồm 3 loại hội: Thứ nhất là hội do Nhà nước
lập ra, thứ hai là các hội được phép hoạt động, quản lý theo luật pháp Việt Nam
và thứ ba là các tổ chức không thuộc 2 loại trên được tự do như Hiến pháp quy định.
Luật phải quy định làm sao để khi ra đời sẽ tạo bầu không khí tốt, rằng sau khi
có Hiến pháp 2013 thì quyền lập hội và quyền tham gia hội của công dân được bảo
đảm.
|