Trước thành công ngày
hôm nay, giới luật sư (LS) Việt Nam tự hào vì có một “điểm tựa” vững chắc là bề
dày lịch sử 70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46 (ngày
10/10/1945) về tổ chức đoàn thể LS.
Từ thời khắc lịch sử đó,
đội ngũ LS ra đời và luôn phấn đấu cho mục tiêu cao cả là phụng sự công lý. Và
với sự ra đời của Liên đoàn LS Việt Nam vào tháng 5/2009, nghề LS ở Việt Nam đã
chính thức có một tổ chức xã hội nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc và ngày
càng khẳng định vai trò là “ngôi nhà chung” của giới LS cả nước.
Ghi nhận về truyền
thống, sự nỗ lực và những đóng góp của LS trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng
và bảo vệ đất nước, ngày 14/01/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định
số 149/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống LS Việt Nam.
Trên con đường phát
triển ấy, giới LS ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ
pháp lý phục vụ cộng đồng. Đó còn là kết quả từ những cơ sở pháp lý quan trọng
như Pháp lệnh LS, Luật LS, sự hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương, địa phương,
đặc biệt là sự quan tâm đầy trách nhiệm của Bộ Tư pháp và sự tin tưởng, ủng hộ
của toàn xã hội để giới LS tiến từng bước vững chắc đến mục tiêu bảo vệ công
lý, tham gia có hiệu quả vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp
quyền XHCN, bảo vệ quyền con người, phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, giới LS đã hình
thành nên một lực lượng đông đảo, hoạt động trên cả nước, đóng góp vào sự
nghiệp dân chủ hóa của đất nước. Song so với yêu cầu của cải cách tư
pháp, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và của đất nước thì số lượng LS của
nước ta còn quá khiêm tốn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện sứ mệnh cao cả của
giới LS trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Thống kê hiện cả
nước có khoảng 9.000 LS và hàng nghìn người tập sự hành nghề LS. Tuy nhiên, tỷ
lệ LS/người dân vẫn quá thấp (1LS/10.000 dân) là một thách thức và yêu cầu đặt
ra cho hoạt động LS.
Trước những cơ hội chưa
từng có và những thách thức lớn lao đang đặt ra cho giới LS Việt Nam khi đất
nước đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, giới LS Việt Nam tự hào về những
thành tựu đã đạt được, ôn lại truyền thống để tiếp bước đi lên bằng nỗ lực
không ngừng học tập, nâng cao năng lực, trình độ, hiểu biết pháp luật, kỹ năng
hành nghề, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, liên tục
phấn đấu vì một nền Tư pháp dân chủ, công bằng, hiệu quả, bảo vệ công lý, tuân
thủ pháp chế, bảo vệ quyền con người, góp phần xây dựng thành công Nhà nước
pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam, góp phần
xứng đáng vào công cuộc cải cách tư pháp vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”.
Trong chuỗi các hoạt
động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LS Việt Nam 10/10 năm nay, Tạp chí LS
Việt Nam tổ chức “Cuộc thi sáng tác bài hát, thơ, văn xuôi về LS và nghề LS
Việt Nam năm 2015” (từ tháng 3/2015). Tối qua (11/10), trong tổng số 187 tác phẩm thơ, 37 tác phẩm
văn xuôi và 24 tác phẩm âm nhạc tham dự, Ban giám khảo đã chọn được 9 tác phẩm
xuất sắc của cả 3 thể loại để trao giải thưởng.
Trước đó tối 9/10, tại
Sân Golf Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Lễ trao giải Golf Liên đoàn LS Việt
Nam mở rộng lần thứ VII. Đây là giải được tổ chức thường niên hàng năm nhằm tăng
cường giao lưu gặp gỡ, thắt chặt mối quan hệ giữa các LS, các doanh nhân, doanh
nghiệp. Đặc biệt tại buổi lễ trao giải Golf Liên đoàn LS Việt Nam mở rộng chào
mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LS Việt Nam, các gôn thủ cũng tham gia
đấu giá chiếc sim điện thoại của hãng Mobiphone để ủng hộ Quỹ “Vì sự phát
triển của LS” thuộc Liên đoàn LS Việt Nam.
Phó Chủ tịch Liên đoàn
LS Việt Nam, LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh: Nghề LS đã từng bước được nâng lên rõ rệt.
Song trước những thời cơ mới mà quá trình hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp…
mang lại thì hoạt động LS cũng đang đương đầu với nhiều thách thức, khó
khăn.
Vì vậy, để nghề LS và
đội ngũ LS có thể phát triển đúng định hướng và mục tiêu, cần tăng cường hơn
nữa công tác truyền thông để xã hội có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của
LS, nghề LS; không ngừng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng LS, đặc biệt
là LS phục vụ việc hội nhập quốc tế, LS ở những địa bàn khó khăn.
Và bản thân mỗi LS, tổ
chức hành nghề LS, tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS cần biết nỗ lực học hỏi,
tuân thủ các qui tắc đạo đức nghề nghiệp để xây dựng hình ảnh, uy tín cho nghề
LS, giới LS, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
|