Ít xảy ra tham nhũng
Theo
Bộ Tư pháp, trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, các lĩnh vực
quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp ít xảy ra tham nhũng. Qua công tác kiểm tra nội
bộ tại các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp đã phát
hiện và xử lý 22 trường hợp. Công tác thanh tra của Bộ đã tập trung vào một số
lĩnh vực công tác có thể có những sơ hở hoặc nhũng nhiễu làm nảy sinh hành vi
tham nhũng như: công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây
dựng cơ bản… nhằm chấn chỉnh, khắc phục nghiêm túc, kịp thời hạn chế tồn tại.
Qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 33 Quyết định
thu hồi với tổng số tiền là trên 1,5 tỷ đồng.
“Hành
vi tham nhũng hiện nay được đánh giá là diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc
phát hiện, xử lý còn hạn chế. Việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn chưa làm
tốt, việc kê khai tài sản hiện nay còn nặng nề hình thức”, quyền Chánh Thanh
tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện cho biết.
Trong
khi đó, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phương tiện công việc và sự phối hợp
giữa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn
bất cập. Cơ quan thanh tra khi phát hiện hành vi tham nhũng phải chuyển hồ sơ
cho cơ quan điều tra dẫn đến chưa kịp thời trong phát hiện, xử lý hành vi tham
nhũng.
Tăng cường kiểm tra
Sửa
đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành là một trong những đề xuất
được Bộ Tư pháp nêu lên để thực hiện tốt hơn công tác này. Trong đó cần sửa
đổi, bổ sung các quy định của Luật theo hướng mở rộng khái niệm quà tặng bao
gồm cả lợi ích vật chất và các các lợi ích khác, quy định rõ về định mức quà
tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà tặng; quy định về
xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sự việc tham nhũng... Bên cạnh
đó, hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin vụ
việc tham nhũng nhằm tạo điều kiện để người dân, cán bộ, công chức mạnh dạn tố
cáo tham nhũng.
Ông
Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính lưu ý, việc thi
hành án dân sự đối với các vụ án tham nhũng chỉ dựa trên bản án đã tuyên, trong
khi trước khi có bản án trải qua nhiều giai đoạn, nên tài sản dễ bị tẩu tán.
“Chúng ta hiện không có cơ chế đăng ký tài sản của cán bộ, nên phải xây dựng
“cơ chế liên hoàn” để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả”, ông Dũng nhấn mạnh.
Từ
kinh nghiệm trong phòng chống tham nhũng ở đơn vị mình, Phó Cục trưởng Cục
THADS Hà Nội Nguyễn Quang Thái cho rằng, quan trọng là phải làm tốt công tác
phòng ngừa. “Ở Hà Nội, quy trình luân chuyển, điều động cán bộ với những tiêu
chí rõ ràng nên nhìn vào đó, mỗi cán bộ Thi hành án biết mình phải làm gì. Quá
trình thi hành án lãnh đạo Cục cũng trực tiếp kiểm tra, có biểu hiện tiêu cực
là lập Đoàn kiểm tra” - ông Thái cho biết. Còn ông Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng
Cục Bổ trợ tư pháp thì kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
trong lĩnh vực này theo hướng thuận tiện cho tổ chức, công dân.
Phát
biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ghi nhận, đánh
giá cao kết quả công tác phòng chống tham nhũng của Bộ, trong đó đầu mối là
Thanh tra Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ ra những khó khăn rất
đặc thù của công tác phòng chống tham nhũng, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tăng
cường kiểm tra việc thực hiện quy chế đã ban hành; tăng cường kiểm tra hoạt
động tại các Chi cục Thi hành án dân sự; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần
tiếp tục chú trọng vấn đề đạo đức công chức, cải thiện đời sống cho cán bộ,
công chức. Bộ Tư pháp cũng sẽ cố gắng trong việc nghiên cứu, đề xuất các quy
định của pháp luật phù hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng
trong thời gian tới.
|