Hiện nay, khi cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc nhưng
vì con cái đã lớn nên nhiều cặp không ly hôn mà chọn giải pháp ly thân.
Tuy nhiên, ly thân lại chưa được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, do
đó dù vợ chồng đã xa nhau thời gian dài thì cũng không phải lý do để
tòa xử cho ly hôn. Việc ly thân và thời gian ly thân chỉ là một trong
các dấu hiệu phản ánh tình trạng hôn nhân mà trên cơ sở đó tòa án xem
xét có chấp thuận cho việc ly hôn hay không.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia
đình thì khi xét xử, tòa án xét thấy “tình trạng trầm trọng, đời sống
chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án
quyết định cho ly hôn”.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì:
1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc,
giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ
hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích
của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ
nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh
dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc
cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ
ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của
họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có
quan hệ ngoại tình;
2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng
không thể kéo dài được phải căn cứ tình trạng hiện tại của vợ chồng đã
đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại mục 1 nói trên. Nếu thực tế cho
thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ
ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp
tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận
định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có
tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ,
chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không
tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ,
tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Tuy nhiên, luật không đòi hỏi tình trạng mâu thuẫn vợ
chồng phải thỏa mãn tất cả các dấu hiệu nêu trên như: đánh chửi nhau,
xúc phạm nhau, vợ hoặc chồng ngoại tình… thì Tòa mới xử cho ly hôn.
Nhiều trường hợp tình trạng mâu thuẫn chỉ là ngoại tình nhưng tòa án xét
thấy tình cảm vợ chồng không còn, không thể hàn gắn được thì tòa cũng
xem xét xử cho ly hôn.
Về việc vợ chồng anh đang ly thân nhưng nếu anh lại
chung sống với người phụ nữ khác thì không những vi phạm pháp luật mà
còn vi phạm đạo đức. Khi Tòa án chưa xử cho ly hôn và bản án, quyết định
chưa có hiệu lực pháp luật thì anh và vợ anh vẫn là vợ chồng, vẫn trong
thời kỳ hôn nhân. Luật Hôn nhân và gia đình cũng như Bộ luật hình sự
nghiêm cấm người đang có vợ hoặc có chồng lại chung sống với người khác
như vợ chồng.
Tùy theo mức độ, hậu quả gây ra mà người vi phạm có
thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về mức xử
phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày
21/11/2001 thì người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc
chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm
trọng thì bị phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể
thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ
3 tháng đến một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà
án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ
chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì
bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 147 Bộ luật Hình sự)
Luật sư Vũ Tiến Vinh Công ty Luật Bảo An, Hà Nội |