Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư
Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP
ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật
Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh
lao động thì, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận,
chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá
trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả
trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh
nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi
làm việc.
Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn
xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến
nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
Điều 144 Bộ Luật Lao động
năm 2012 (BLLĐ) quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người
bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những
chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao
động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu,
cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo
hiểm y tế.
- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho
người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời
gian điều trị.
- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Quyền của người lao động bị tai nạn lao động
Tại Điều 145 của Bộ luật
này quy định quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như
sau:
- Người lao động tham gia BHXH bắt buộc được
hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH.
- Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH
bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được người
sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng
tháng theo thỏa thuận của các bên.
- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ
5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu
bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng
thêm 0,4 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11%
đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ cho người
lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người
lao động bị chết do tai nạn lao động.
- Trường hợp do lỗi của người lao động thì người
lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại
khoản 3 Điều này.
Trả lời thắc mắc của ông Hồng Hải, ông bị tai nạn
giao thông trên đường đi làm từ nhà đến công ty, giám định suy giảm khả năng
lao động 10%. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP,
thì trường hợp tai nạn của ông Hải được coi là tai nạn lao động.
Căn cứ điểm a, khoản 3, Điều 145 BLLĐ, nếu
tai nạn này không do lỗi của ông Hải và tai nạn làm ông bị suy giảm khả năng
lao động từ 5% đến 10% thì, ông được công ty bồi thường với mức ít nhất bằng
1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Căn cứ khoản 4, Điều 145 BLLĐ, nếu tai nạn do lỗi
của ông Hải thì, cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức nêu
trên, tức là ông Hải được Công ty trợ cấp ít nhất 0,6 tháng lương.
Việc xác định tai nạn không có lỗi, hay do lỗi
của người lao động căn cứ vào Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy
định hiện hành. Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao
động thì có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông.
Căn cứ khoản 1, Điều 144 BLLĐ, Công ty có trách
nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong
danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người bị tai nạn lao động có tham gia
bảo hiểm y tế.
Về chi phí giám định: Căn cứ vào khoản 1 Điều 5,
khoản 1 Điều 6, khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày
5/4/2010 và Điều 1 Thông tư số 39/2012/TT-BYT ngày 5/6/2012 của Bộ Y tế thì chi
phí giám định y khoa lần đầu do người sử dụng lao động chi trả, chi phí giám
định thương tật tái phát do cơ quan BHXH chi trả.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà
Nội
|