Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng -
Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Huệ như sau:
Theo quy định tại Điều 36 Luật Viên chức, biệt phái viên chức là
việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ
quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn
vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.
Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt
phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.
Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng
đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận
và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn,
nghiệp vụ của viên chức.
Theo thông tin bà Hà Thị Huệ cung cấp, trước khi nhận được quyết định
biệt phái cử đến làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện (thời hạn 6
tháng), ở đơn vị cử đi biệt phái, bà Huệ đang hưởng 70% phụ cấp ưu đãi theo quy
định tại Điều 7 của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của
Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở
trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
đang hưởng mức 0,5 phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã
hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của
Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng
lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn.
Tại điểm a, Mục 2, Phần II, Thông tư liên tịch số
06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP có
quy định, thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy
liên tục trên 3 tháng thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi trong thời gian đó.
Điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC có quy định, thời gian
đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn từ 1 tháng trở lên thì không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp
(trong đó có phụ cấp công tác lâu năm) quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP
trong thời gian đó.
Trường hợp bà Huệ thực hiện quyết định biệt phái có thời hạn, hết thời
hạn biệt phái sẽ trở về đơn vị cũ công tác. Theo quy định tại Điều 36 Luật Viên
chức, trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt
phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương (bao gồm cả các chế độ phụ cấp đang
hưởng) và các quyền lợi khác của viên chức.
Trường hợp bà Huệ, nếu áp dụng quy định tại điểm a, Mục 2, Phần II Thông
tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC để ngừng chi trả phụ cấp ưu đãi; và
áp dụng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số
08/2011/TTLT-BNV-BTC để ngừng chi trả phụ cấp công tác lâu năm, như bà đã phản
ánh, là xung đột với quy định tại Điều 36 Luật Viên chức.
Căn cứ khoản 2 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong
trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn
đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp này, phải
áp dụng quy định tại Luật Viên chức.
Theo đó, nhà trường cần áp dụng Điều 36 Luật Viên chức, bảo đảm tiền
lương (bao gồm cả các chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp công tác lâu năm đang
hưởng) và các quyền lợi khác đối với bà Huệ trong thời gian bà đi biệt phái tại
Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà
Nội
|